Khó… như học ngoại ngữ

MINH ĐỨC 26/04/2014 07:42

Ngày nay, dễ dàng bắt gặp những cán bộ cặm cụi học ngoại ngữ tại các trung tâm giáo dục đào tạo để lấy một vài loại chứng chỉ nhằm hội đủ điều kiện phát triển. Hiện chứng chỉ ngoại ngữ vẫn là điều kiện bắt buộc để được Nhà nước và các tổ chức khác sàn lọc và xem xét, đánh giá khả năng đáp ứng công việc của cá nhân như xét tuyển công chức, chuyển ngạch, học cao học… nên trình độ ngoại ngữ, mà phổ biến là tiếng Anh trở nên quan trọng. Khi trình độ ngoại ngữ không đáp ứng nhu cầu và môn học ngoại ngữ trở nên quá khó với nhiều người, nạn mua bán bằng cấp, chứng chỉ, học giả bằng thật… về ngoại ngữ cũng trở nên phức tạp. Ngày nay, cũng dễ dàng bắt gặp nhiều người luống cuống trước những câu ngoại ngữ xã giao thông thường; nhiều cán bộ nhà nước rất e ngại khi gặp phải những tình huống cần đến trình độ ngoại ngữ của mình như khi đi nước ngoài hay tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, tham dự các hội nghị có sử dụng tiếng nước ngoài… Vì vậy, có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười về “trình độ” sử dụng ngoại ngữ của một số người trong nhiều trường hợp.

Và ngày nay cũng có rất nhiều người khi đi du lịch ở các điểm đến nổi tiếng hoặc tham dự các sự kiện văn hóa – du lịch trong nước ngạc nhiên về khả năng giao tiếp ngoại ngữ của những người làm các nghề được cho là bình thường, thu nhập thấp, ít trình độ như bán vé số, chạy xe ôm, bán hàng rong… Khi nhìn họ “xí lô xí là” với người nước ngoài, không ít người bỗng dưng “thèm” được như vậy để có điều kiện khám phá, trải nghiệm và đối phó với các tình huống cần phải sử dụng ngoại ngữ mà mình gặp phải. Dù sử dụng “tiếng bồi” nhưng giữa các đối tượng đã có sự thông hiểu, đạt hiệu quả khi giao tiếp, thậm chí nhiều trường hợp người nước ngoài biểu lộ cảm xúc, chuyện trò say sưa…, chứng tỏ khả năng sử dụng ngoại ngữ của những người làm các nghề bình thường rất đáng ghi nhận.

Chúng ta đã từng học ngoại ngữ liên tục hơn chục năm trời nhưng vẫn luống cuống trước các tình huống cần đến việc sử dụng ngoại ngữ… Hiện tiếng Anh vẫn là môn học quan trọng, chiếm thời lượng lớn trong 7 năm học phổ thông. Đến khi vào đại học, dù ngành nào, sinh viên cũng phải tiếp tục học ngoại ngữ với chương trình học nặng hơn. Đó là chưa nói đến chuyện học thêm ngoại ngữ để trau dồi kiến thức và lấy các chứng chỉ “làm vốn” sau này. Còn riêng sinh viên học chuyên ngành ngoại ngữ hẳn đã “dùi mài” đằng đẵng. Thời gian học nhiều nhưng thu được chẳng bao nhiêu, nhiều người lấy bằng cử nhân tiếng Anh hay nhiều giáo viên tiếng Anh vẫn cứ lúng túng trong giao tiếp, dịch thuật… Phải chăng học ngoại ngữ, mà cụ thể là môn tiếng Anh quá khó? Hình như không đến nỗi như vậy. Nhiều người cho rằng chúng ta đã tự làm khó mình với cách dạy và học chưa hiệu quả, cụ thể là phần lớn tú tài, cử nhân, thậm chí là bác sĩ, thạc sĩ… vẫn chưa thực hiện nổi một cuộc giao tiếp ngoại ngữ thông thường. Trong khi đó, ngôn ngữ xét về tính hữu ích chủ yếu là để giao tiếp và đạt đến sự thông hiểu...

Tuy nhiên, chuyện học ngoại ngữ chỉ là một ví dụ trong các tồn tại về phương pháp dạy và học hiện nay - vấn đề đang được dư luận quan tâm sau khi ngành giáo dục đào tạo bắt tay vào thực hiện chủ trương đổi mới sách giáo khoa, đổi mới giáo dục.

MINH ĐỨC

MINH ĐỨC