Bên lề đô thị…

ĐIỆN NAM 15/03/2014 07:05

Điện Bàn, đứa con của châu thổ Thu Bồn, đang ngày một lớn lên với quy mô kinh tế - xã hội mở rộng, kết nối không gian phát triển giữa hai thành phố “trẻ” và “già” là Đà Nẵng và Hội An. Vậy nên không lâu nữa, sẽ có những vùng quê kiểng “từ xã lên phường”, mang theo khát vọng có diện mạo mới khang trang hơn. Song, hành trình đô thị hóa ấy cũng mang theo suy tư với sự lựa chọn con đường phát triển kèm theo những dự báo về biến động văn hóa xã hội.

Trước hết là tâm thức của con người. Còn nhớ vào những năm cuối thế kỷ trước, khi Đà Nẵng tiến hành “cuộc cách mạng” về chỉnh trang xây dựng đô thị đã vấp không ít cản ngại, nhất là trong bồi thường giải tỏa mặt bằng. Hàng chục nghìn hộ dân phải đồng loạt di dời tái định cư. Không ít người nghi ngờ, lo sợ, phản ứng, nhưng rồi phần lớn người dân đã dần thấy yên tâm khi thành phố xóa được những khu nhà tạm bợ, biến những vũng lầy thành phố thị phồn hoa. Cái giá của Đà Nẵng phải trả dễ thấy là…nợ nần, song con đường phát triển thành phố động lực miền Trung đã mở rộng cơ hội làm ăn, sinh sống cho người dân và những nhà đầu tư. Khác chiều với Đà Nẵng, Hội An phải bảo tồn phố cổ, chuyện cũng lắm nhọc nhằn. Trong khi nhiều nơi người ta đập phá cũ nát để xây dựng mới thì cư dân Hội An phải “chịu khó” sống trong sự chật chội của cái cũ để giữ gìn di sản. Nhu cầu không gian sinh hoạt hàng ngày bị bó hẹp tù túng, song người phố Hội đã vượt qua để phố cổ được tôn vinh là di sản nhân loại. Giờ đây, chính nhờ di sản ấy, Hội An “mở mày mở mặt” với thế giới, thu hút khách du lịch ngày càng đông, đem lại cơ hội kinh doanh dịch vụ cho người dân. Rõ ràng với ví dụ về Đà Nẵng và Hội An, nếu không có lòng dân đồng thuận cao thì chính quyền cũng khó mà thực thi chiến lược “xây mới” hay “bảo tồn” trong hành trình phát triển. Ngẫm về điều đó để thấy rằng, sự lựa chọn cho tương lai diện mạo Điện Bàn -  “Thị xã trong tầm tay”, cần gắn với lòng dân, sức dân. Làm sao để giữ được nét văn hóa, những di tích cổ xưa trong không gian làng quê êm ả, trong khi triển khai “đại công trường” với hàng loạt công trình hạ tầng xây dựng mới, là một vấn đề đặt ra cho hành trình đô thị hóa Điện Bàn.

Một câu chuyện nữa là xây dựng văn hóa thị dân. Hội An thế kỷ 17, Đà Nẵng thế kỷ 19, đã ghi dấu bước chân đô thị hóa. Vì thế, văn hóa thị dân đã thành nếp của cư dân hai thành phố ấy. Người ở phố quen với sinh hoạt văn hóa kiểu phố gắn với kinh doanh, dịch vụ, chợ búa, môi trường và văn minh nữa. Còn từ quê lên phố, những chệch choạc trong tâm thế ứng xử sẽ dẫn đến những “tình huống khó đỡ” như thói quen vứt rác, hội hè chè chén kiểu làng… Người nhà quê ít nhiều có tâm lý xa lạ (hay mặc cảm, tự ti?) với văn minh đô thị mà câu ca xưa đã từng mô tả “ngó bên ni Hàn phố xá nghênh ngang”. Còn chiều hướng ngược lại, đô thị hóa cũng làm phai nhạt nét duyên quê mà thi sĩ Nguyễn Bính đã từng lên tiếng: “Hôm qua em đi tỉnh về/ hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Đây là chuyện về văn hóa. Có thành phố, thị xã hẳn cần có thị dân và văn hóa thị dân. Làm thế nào để giữ được cái hồn quê chân chất mộc mạc trong chiếc áo văn minh của người ở phố cũng là câu chuyện để nghĩ suy.

ĐIỆN NAM

ĐIỆN NAM