Mỹ tục và hủ tục

ĐIỆN NAM 22/02/2014 09:22

Đầu xuân này có hai sự việc gợi lên nhiều suy tư về văn hóa miền núi Quảng Nam với những tập tục. Một, tục đón khách như ngày tết của làng Aur ở xã A Vương, Tây Giang. Hai, sự kiện dân làng Bút Tưa, ở xã Sông Kôn, Đông Giang bỏ làng cũ ra đi vì quan niệm  tập tục về cái “chết xấu”.

Ở Aur, có thể dễ dàng thấy đó là mỹ tục, nghĩa là một tập tục đẹp. Bởi khi có khách quý, cả làng mang thức ăn ngon có được của mình đến gươl để chung đãi. Khách phải giữ ý tứ nếu không thể ăn hết tất cả thì dùng của mỗi nhà một ít. Sự mến khách như thế quả dễ tạo nên sức hút cho bao tâm hồn phiêu lãng muốn tìm đến một chốn yên bình còn sót lại trên trái đất.

Với hiện tượng ở Bút Tưa, không thể có cách nhìn và ứng xử hợp lý nếu không hiểu được tập tục của đồng bào. Từ “ngoài nhìn vào”, nhất là theo con mắt của nhiều người Kinh, người đã tiếp cận sớm với văn minh đô thị, hẳn cho đây là hủ tục mang màu sắc mê tín cần loại bỏ. Chuyện sống trong một khu vực quần cư, dù có ảnh hưởng, nhưng sinh mạng ai nấy giữ, làm gì còn chuyện ma bắt vì những cái “chết xấu”. Song, từ “trong nhìn ra” theo quan niệm của đồng bào thì không hẳn vậy. Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu được rằng, trong quan niệm của người Cơ Tu, mỗi người có hai thế giới với hai linh hồn - lành và dữ, do cái chết lành hay chết dữ mà ra. Chết lành là chết bình thường. Chết lành thì hồn ma lành tiếp tục sống ở thế giới ma. Còn chết dữ, tức là chết xấu với những cái chết không bình thường như té cây, cọp vồ, rắn cắn, rơi xuống vực... sẽ do hồn dữ chế ngự, gia đình phải đem chôn người chết thật xa làng. Gia đình người chết phải rời bỏ làng, bỏ nương rẫy, bỏ nhà vào sống trong rừng một thời gian và phải giết đi súc vật của người chết. Trước đây, vì chết dữ, nhiều làng đã phải bỏ làng dời đi nơi khác. Ở Bút Tưa, khi liên tục có những cái “chết xấu”, chết dữ thì dân làng bỏ đi, đường làng cũ bị rào gai. Đồng bào đã đập bỏ hết nhà cửa, chỉ mang theo ít vật dụng. Thiệt hại đã là lớn so với đời sống kinh tế của họ. Tuy vậy, nhiều người tỏ bày là dù có tài sản nhà cửa lớn hơn nữa cũng bỏ. Xem thế mới thấy quan niệm của tập tục cũ còn một sức mạnh vô hình đủ kéo cả một cộng đồng tin theo.

 Không thể phủ nhận có những phong tục đã lỗi thời (mà ta quen gọi là hủ tục), bám níu đời sống của đồng bào. Tuy nhiên quan niệm về cái chết, sự sinh tử không phải không có lý do của nó gắn với vũ trụ quan, nhân sinh quan, tín ngưỡng đặc thù. Khi qua các làng ở miền núi, thường thấy đồng bào dân tộc thiểu số đặt các tượng gỗ  với vẻ mặt hung dữ trước cửa nhà mới hoặc chung quanh làng, nơi có đường vào làng, để cho thần ác sinh ra cái chết dữ sợ không dám vào nhà, vào làng.

Trước một mỹ tục như của dân làng Aur, người ta dễ có đưa ra ý kiến đề xuất giữ gìn và phát huy. Còn ở Bút Tưa, ngoài việc vận động cho bà con, giữ trật tự trị an, đảm bảo cuộc sống trước mắt cho đồng bào, chính quyền sở tại cũng  không dễ dàng yêu cầu đồng bào loại trừ ngay quan niệm về tập tục bỏ làng khi có những cái chết xấu. Vậy thì, cộng đồng cần ngăn ngừa cái chết xấu xảy ra để khỏi gây thiệt hại chung.

Giải quyết vấn đề bài trừ tập tục lạc hậu như thế nào là điều cần phải suy ngẫm. Khuyến cáo của các nhà nghiên cứu là hãy giải quyết một vấn đề mang yếu tố văn hóa - xã hội bằng các giải pháp văn hóa thì hiệu quả sẽ cao hơn và triệt để hơn.

ĐIỆN NAM

ĐIỆN NAM