Khuynh cái hạ mã

ĐĂNG QUANG 15/02/2014 08:16

Khuynh cái hạ mã, 4 chữ thường được người xưa dựng bia ở những nơi linh thiêng, nhất là trước các Văn Miếu, Văn Thánh. Đây là chỉ dấu cho những ai đi qua nơi đó phải “nghiêng lọng xuống ngựa” để tỏ lòng tôn kính những bậc hiền tài, những vị thầy đáng kính có công lao dạy dỗ học trò.

Hiểu vậy mới thấy vì sao từ năm 1821, ngay cạnh Phu Văn Lâu ở kinh thành Huế, vua nhà Nguyễn cho dựng bia đá “khuynh cái hạ mã”, bởi danh sách các khoa danh tiến sĩ được niêm yết tại đây sau khi truyền lô.

Ở Quảng Nam, trên vùng đất dinh trấn Thanh Chiêm nổi tiếng xa xưa thuộc phủ Điện Bàn, cũng có hai tấm bia khắc bốn chữ như vậy. Theo tư liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân, dinh trấn Thanh Chiêm xưa có Văn Thánh thờ đạo Nho (Khổng Tử, Mạnh Tử…) và trường học để dạy sĩ tử học hành, thi cử. Văn Thánh có tường thành vây quanh, có các miếu đền nguy nga, tráng lệ. Ngoài đường, cách thành 50m có hai bia “khuynh cái hạ mã” (Nghiêng lọng xuống ngựa) để tỏ lòng kính trọng nhà–giáo–dục–muôn–đời. Các nhà nho lừng lẫy của tỉnh, phần lớn từng ghi danh nơi đây.

Chỉ bốn chữ khắc trên bia đá mang nghĩa bình thường giản dị nhưng lại nhắc điều phải suy ngẫm về cách thế ứng xử của cha ông. Đó là cách trọng sự học, trọng chữ, trọng thầy. Một xã hội nếu không coi trọng sự học thì làm gì có văn hóa, làm gì phát triển được. Và người ứng xử có văn hóa thì phải biết tôn kính những giá trị tốt đẹp được tạo nên nhờ những bậc thầy “hối nhân bất quyện” (dạy người không biết mỏi). Ngẫm ra điều ấy, đâu chỉ có nghĩa lý của riêng thời xưa đâu. Nền giáo dục của chúng ta ngày nay đang loay hoay tìm đường phát triển, vang vang bao khẩu hiệu cải cách, đổi mới nhưng sự chuyển động còn khá chậm. Học để kiếm công ăn việc làm đã khó huống chi việc học làm người, vì vậy giáo dục thiếu một triết lý nền tảng của sự thiêng liêng tôn kính việc trồng người.

May thay, trên vùng đất Quảng, nơi từng được mệnh danh là “đất học” vẫn còn đấy những dấu tích nơi chốn thiêng liêng để nhắc nhớ lòng tôn kính với sự nghiệp trồng người. Những Văn Thánh, Văn Miếu hàng phủ huyện dẫu bị xóa mờ khá nhiều, nhưng còn đấy Văn Thánh ở Tam Kỳ và Hội An, hai thành phố ở hai đầu Nam - Bắc của tỉnh. Và, thật thú vị với sự trùng hợp khi gắn liền hai địa danh này lại có hai  trường chuyên, chiếc nôi đào tạo nhân tài của tỉnh. Đón xuân này, tin vui đến với Quảng Nam khi lần đầu tiên trường Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm có học sinh đoạt giải nhất môn toán trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Hiển nhiên thành tích việc học chỉ là bước khởi đầu, nhưng 22 giải quốc gia mà học trò xứ Quảng đoạt được, có thể xem là thành tích ấn tượng ở bước chuyển giai đoạn mới, mở ra hy vọng tương lai tươi đẹp hơn của giáo dục đất Quảng sau 17 năm tái lập tỉnh.

Một khát vọng cho một thời kỳ mới, trên vùng đất Quảng có những văn thánh mới đề danh thầy và trò thành đạt, để ai đi qua đây đều “nghiêng lọng xuống ngựa”!

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG