Giấc mơ của biển

ĐĂNG QUANG 18/01/2014 07:40

Một ngày đẹp trời, biển Đông lặng sóng.

Trung Quốc thực hiện trao trả trong hòa bình quần đảo Hoàng Sa cho Việt Nam.

Tất cả tàu thuyền của khối ASEAN tự do đi lại, đánh bắt cá trong vùng chủ quyền và thuộc quyền chủ quyền của mình mà không ai rượt đuổi, bắt bớ, đập phá ngư lưới cụ.

Đó quả thực là giấc mơ đẹp.

Nhưng hiện tại và tương lai gần, giấc mơ ấy là viễn vông khi biển Đông còn đang nóng. Đã 40 năm trôi qua, Hoàng Sa vẫn bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép, thậm chí còn mở rộng xây dựng sân bay, hải cảng, trụ sở cơ quan hành chính tại đây... Đường lưỡi bò chiếm hết gần hai phần ba biển Đông được Trung Quốc đưa ra, bất chấp luật lệ quốc tế và sự phản đối của các nước trong khu vực.

Như định mệnh từ “lời nguyền địa lý” khi Việt Nam phải đứng đầu mũi tàu, kề cận Trung Quốc, cản bước tiến của họ muốn thâu tóm toàn bộ biển Đông. Sự kiện Hoàng Sa thất thủ chỉ là mở đầu, sau đó lại tiếp các đảo ở quần đảo Trường Sa; rồi còn nhiều tham vọng bành trướng mà Trung Quốc đang và sẽ thực thi. Mối nguy hiện hữu và Việt Nam sẽ phải đấu tranh với nhiều cam go, phức tạp. Đảng và Nhà nước ta chủ trương dùng biện pháp hòa bình, đấu tranh ngoại giao nhưng liệu Trung Quốc có từ bỏ tham vọng của họ hay không mới là vấn đề. Báo chí cũng có nêu một số ý kiến của các chuyên gia  đề xuất Việt Nam nên kiện ra tòa án quốc tế, đòi lại Hoàng Sa. Bên cạnh đó lại có ý kiến quan ngại về những vấn đề phải cân nhắc trong quan hệ đối ngoại, nhất là ảnh hưởng về kinh tế, khi mà Việt – Trung cam kết đưa kim ngạch xuất nhập khẩu hai chiều lên khoảng 60 tỷ USD. Dẫu vậy, quan điểm nhất quán là Việt Nam không bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình. Mỗi một tấc đất, hòn đảo của Tổ quốc đều thấm máu xương cha ông gầy dựng, giữ gìn, đâu thể tự ý mà bỏ được.

Vậy, điều kiện để giấc mơ về một biển Đông lặng sóng, phần biển đảo của Việt Nam được yên vị trong lòng Tổ quốc, trở thành hiện thực là chuyện đáng suy ngẫm. Điều kiện đó là phải có THẾ và LỰC. Thế là thời thế, tâm thế, thế đứng của đất nước và con người Việt Nam. Lực là sự kết hợp sức mạnh của nhiều lĩnh vực, sự huy động tối đa nội lực và tranh thủ được ngoại lực ủng hộ. Không có thế và lực đủ mạnh, không dễ gì chúng ta đòi lại được phần lãnh thổ, lãnh hải bị mất. Câu chuyện Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm, cũng đặt ra những suy ngẫm về thế và lực thời ấy để rút ra bài học cho hôm nay, mai sau.

 Nỗi đau đáu về biển cả đã và sẽ tiếp tục cuộn trào trong tâm thức người Việt, trong đó đất và người xứ Quảng (Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi), hằng ngày rẽ sóng ra khơi hướng nhìn Hoàng Sa càng thao thiết biết bao điều.

ĐĂNG QUANG

ĐĂNG QUANG