Xuân & tuổi trẻ

BẢO TRÂN 11/01/2014 07:39

Các hoạt động nhân dịp Ngày truyền thống sinh viên – học sinh Việt Nam (9.1) năm nay lại thêm một lần gợi nhắc về sứ mệnh của những người trẻ tuổi.

Đã 64 năm trôi qua, lịch sử dân tộc luôn là dòng chảy nối tiếp của các thế hệ, trẻ tiếp bước già, như một sự tự nhiên mà ông cha ta đúc kết “tre già măng mọc”. Tuy nhiên, điều đáng suy ngẫm là tâm thế tiếp bước, chuyển giao thế hệ của mỗi thời mỗi khác. Nhà thơ cách mạng Tố Hữu từng khái quát một tâm thế trong cuộc trường chinh kháng chiến của dân tộc, rằng “lớp cha trước, lớp con sau/Đã thành đồng chí chung câu quân hành”. Đó là khi nhiệm vụ đánh đuổi ngoại xâm giành độc lập tự do của đất nước đòi hỏi người trẻ phải nhanh chóng tiếp bước cha anh cầm súng. Vì vậy, không ít sinh viên, học sinh phải gác lại giấc mơ giảng đường, xông pha ra mặt trận hoặc đi đầu trong các phong trào tranh đấu với giặc ngoại xâm. Học sinh Trần Văn Ơn, sinh viên Nguyễn Thái Bình và biết bao nhiêu người trẻ tuổi nữa đã viết nên những trang sử hào hùng.

Báo Quảng Nam trong tuần qua đăng tải câu chuyện dài kỳ về những người lính quân tình nguyện Việt Nam. Trong chiến tranh bảo vệ biên giới và thực hiện sứ mệnh quốc tế, có rất nhiều người lính trẻ đã tiếp tục cống hiến máu xương cho lý tưởng vì độc lập, vì hòa bình. Năm 1979 ấy, hàng vạn thanh niên là sinh viên, học sinh đã được tổng động viên để bổ sung lực lượng cho đội quân cách mạng vốn phải chịu nhiều đau thương mất mát khi vừa trải qua hai cuộc chiến ngót 30 năm.

Như vậy, trải 3 cuộc chiến tranh trong thế kỷ XX, dường như chính yếu vẫn là sứ mệnh chiến đấu giành độc lập, hòa bình, xây nền tự do. Những điều còn mất, những toan tính đúng sai, những bước ngoặt của sự lựa chọn giữa hy sinh và đi học hành, rồi sẽ còn đọng lại với suy ngẫm lâu dài. Ấy là nói bây giờ nghĩ thế, chứ còn hồi xảy ra những cuộc chiến đó, hầu như bao trùm không khí trong giới trẻ là tâm thế như bài ca “Tự nguyện”, quên cái cá nhân đi, cái riêng đi để soi chiếu mình bởi một lý tưởng mong cống hiến vô bờ cho Tổ quốc, “là người tôi sẽ chết cho quê hương”…

Chiến tranh lùi xa, thế kỷ 21 này quá nhiều biến động, khiến tâm thế con người rất khó hướng tâm trong một cộng đồng có quá nhiều lựa chọn, mà có khi cá thể hóa nhiều hơn, đa dạng, phức tạp. Tuổi trẻ, sinh viên học sinh bước vào bối cảnh mới, hoàn cảnh mới, với những khao khát mới, trong khi nền giáo dục của quốc gia chưa theo kịp, cải và cãi quá nhiều về chiến lược. Hiện tượng có một bộ phận thanh niên không màng lý tưởng, chỉ biết sống  riêng mình, cũng do vậy.

Rất may là, giới trẻ vẫn còn cả một đội ngũ với bầu nhiệt huyết. Người ta đã thấy những ngày chủ nhật “đỏ”, với bao giọt máu của trai trẻ thanh xuân cống hiến cho cộng đồng. Rồi những đội quân tình nguyện của sinh viên học sinh lên vùng sâu, vùng xa, ra biên cương, hải đảo, giúp đỡ đồng bào nghèo, động viên những người lính. Các bạn trẻ còn lập ra những diễn đàn trên mạng xã hội để kêu gọi chung tay vì cộng đồng, giúp đỡ những hoàn cảnh bất hạnh. Những hoạt động đó gợi nên sự ấm áp tình người, đặc biệt là niềm tin về giới trẻ ngày nay. Ngẫm ra, sức trẻ, trái tim của tuổi trẻ, luôn như mùa xuân ấm nồng, đầy khát vọng.

Một mùa xuân nữa sắp về, chợt nhớ đến bài ca “Xuân và tuổi trẻ” của nhạc sĩ La Hối (1920 – 1945), sáng tác năm 1944 ở quê hương Hội An, cách đây vừa tròn 70 năm, ta lại thấy dạt dào sức sống, và thầm mong những trái tim thanh xuân còn mãi vang lên cung bậc lạc quan, yêu đời: “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới/Lòng đắm say bao nguồn vui sống…”. Và, “Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm/ Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân tươi…”.

BẢO TRÂN

BẢO TRÂN