Thiên thần và ác quỷ
Một câu chuyện xảy ra ở phương Nam, nhưng nhiều người Quảng xem cũng rợn tóc gáy và không khỏi giật mình. Đó là khi báo Tuổi trẻ đưa ra những thước phim về vụ bạo hành tàn độc của các cô bảo mẫu ở nhà trẻ Phương Anh (Thủ Đức). Miếng cơm, giọt sữa không còn là thức ngon dinh dưỡng mà trở thành thứ cay đắng phải nuốt vì không nuốt thì bị bảo mẫu tát vào mặt, bị gí đầu, bóp mũi, dọa nhúng vào thùng nước… Tiếng trẻ khóc nấc, xé lòng những phụ huynh, làm nghẹt thở trái tim những bà mẹ trẻ, làm rúng động bao tâm can.
Không phải lần đầu chuyện bạo hành ở nhà trẻ mới xảy ra. Hẳn bạn đọc còn nhớ vụ ở Đồng Nai, một cô bảo mẫu đã lấy thìa, đũa và tay vả không thương tiếc vào mặt trẻ khi cho ăn, thậm chí còn giật tóc cho trẻ ngửa cổ rồi nhét thức ăn vào miệng. Rồi nhà trẻ ở Bình Dương, “dạy” trẻ bằng cách dùng thìa inox và dép vả bôm bốp vào mặt, vào lưng, nhốt trẻ vào tủ. Đó là những vụ bị phát hiện, còn bao nhiêu ngục tù như vậy khuất trong bóng tối?
Với các vụ việc vừa nêu, bảo mẫu đã lộ gương mặt như ác quỷ. Vì vậy, những thiên thần trẻ thơ thực sự lại bị đọa đày. Ở xứ Quảng chưa có nhà trẻ nào bị phát hiện trong việc “hành xác” các cháu bé, nhưng như thế không có nghĩa là không cần phòng ngừa nạn bạo hành. Thử ngẫm nghĩ xem trong một bối cảnh mà hàng chục nghìn công nhân đang vào các khu công nghiệp cùng hàng nghìn cán bộ công chức đi làm việc thì phải gửi trẻ ở đâu? Nhà trẻ là một sự lựa chọn, nhưng suốt gần 10 tiếng đồng hồ, sẽ không biết được điều gì xảy ra cho con mình.
Sau những vụ bạo hành, dư luận lên tiếng cần có cuộc tổng kiểm tra các nhà trẻ, cần lắp đặt camera giám sát ở các nhà trẻ. Còn Hồ Trung Tú, một nhà văn xứ Quảng, từng mô tả một cách xúc động trên tờ Sài Gòn tiếp thị là “gửi con rồi, các bà mẹ phải chấm tay quệt nước mắt, khi biết chắc rằng, đằng sau lưng họ, tiếng con khóc thét, và biết chắc rằng đến cuối giờ chiều đón con trở về, đứa trẻ sẽ đầy ắp tủi hờn mà không biết làm thế nào hiểu”. Hồ Trung Tú cũng nêu lên một băn khoăn, trăn trở: “Hơn 20 năm trước, các trường mầm non đã nhận trẻ từ ba tháng tuổi, vậy tại sao bây giờ, chúng ta lại thua xa thời bao cấp ấy? Câu hát đầy thương yêu “Con thương ơi, con quý ơi/Mẹ địu con đi nhà gửi trẻ...” đã lùi xa vào quá khứ, đâu rồi hình ảnh những người mẹ giữa ca về nhà gửi trẻ ngồi xếp hàng cho con bú; đâu rồi những nhà máy công xưởng luôn có một nhà giữ trẻ sạch sẽ tinh tươm còn hơn cả phòng giám đốc?”. Song, cho đến nay, những khó khăn trong giáo dục mầm non vẫn chưa tháo gỡ hết và mảng nhà trẻ gần như còn thả nổi ở nhiều nơi, nhất là các nhà trẻ tư. Những đứa trẻ lên 1 tuổi còn khó tìm được chỗ gửi ưng ý huống gì trẻ nhỏ hơn nữa. Còn chuyện bạo hành với trẻ em thì xảy ra nhiều vụ.
Hãy ngẫm một điều rằng, hai cột trụ xã hội là giáo dục và y tế nếu không được đảm bảo thì cuộc sống không có tương lai. Giáo dục bắt đầu từ trẻ thơ, một tương lai cho thiên thần cũng từ đây mà nhen nhóm. Nếu nhà trẻ là ngục tù tăm tối thì chỉ có thể gieo những hạt mầm của cái ác mà tương lai xã hội sẽ phải gặt lấy.
BẢO TRÂN