Cuốn theo dịch vụ
Cuối năm âm lịch, cũng là thời điểm mùa cưới lại rộn ràng. Mùa này về quê lại nghe dân tình “chép miệng” than chuyện đám cưới: “làm ăn thì không ra, cuối năm biết bao nhiêu chuyện để lo, một tuần hai ba cái đám cưới thì chịu không thấu”…
“Nhà quê” bây giờ tổ chức đám cưới bài bản lắm, toàn dịch vụ. Coi được ngày tổ chức, hô một phát là có đội ngũ dịch vụ cho thuê đồ cưới, che rạp, nhạc, quản trò, nấu ăn… tìm đến tận nhà. Chủ đám và quan khách chỉ việc đến tư gia hoặc nhà hàng dự lễ tiệc, chúc mừng “dzô! dzô!” rồi về. Không như ngày xưa, nhà nào có đám cưới là cả xóm chộn rộn: người cho mượn mấy cây tre, người cho mượn tấm bạt, còn người nào khéo tay thì lo chuyện trang trí; rồi xúm lại mổ heo, giã chả, dựng rạp, tổ chức nấu nướng rồi tiệc tùng đến hả hê cái bụng, thậm chí người dự đám còn nhận được ít thịt heo, xôi bánh gọi là tấm lòng của gia chủ muốn chia sẻ niềm vui với những người không có dịp tham dự… Đám cưới ở “nhà quê” bây giờ thì cả làng và bà con của gia chủ không phải lo gì cả, tiệc tùng rất nhiều đồ ăn thức uống dư thừa, bia bọt rót tràn ly, quan khách còn được hưởng thụ cung cách phục vụ, cơ sở vật chất có sự đầu tư kỹ càng của các dịch vụ. Nhìn theo hướng tích cực đây là dấu hiệu của sự tiến bộ, thể hiện đời sống của nhân dân khá lên, thoát khỏi cảnh đói cơm lạt muối và cũng thôi tơ tưởng “miếng thịt làng”…
Nhưng đám cưới bây giờ dường như bị ta thán bởi đã “tiến bộ” quá nhanh so với thực tế đời sống nhân dân, nhất là bộ phận dân nghèo. Kiểu tổ chức đám cưới “đại trà” như bây giờ dường như bắt gia chủ và quan khách chạy theo dịch vụ, thỏa mãn “con mắt” hơn là dịp để mỗi người tự tìm thấy niềm vui với nhu cầu chia sẻ của chính mình. Và tất nhiên, mức quà cáp cũng “đại trà” từ quê đến phố. Người nhà quê bây giờ cũng phổ biến mức “bỏ bì” đám cưới từ 200 - 300 nghìn đồng. Mức này được xem là khá nhưng cũng chỉ đủ trang trải chi phí cho mỗi khẩu phần trong lúc tiệc tùng, còn dư mỏng mỏng một tý thì cũng đủ để gia chủ lo chuyện râu ria như xe cộ, nhiếp ảnh… Nhưng 200 nghìn đồng là cả một vấn đề với nhiều người, nhất là dân lao động phổ thông. Thợ hồ, thợ may, thơ mộc… ai giỏi lắm mới được trả 200 nghìn đồng/ngày lao động, đủ để đi đám cưới; còn “lương chay” của một công chức trung bình cũng chỉ được ngần ấy, ngày nào có đám cưới thì coi như ngày đó làm không công! Mùa đám cưới, mỗi tuần phải dự vài đám thì dân tình lo ngay ngáy là phải.
Đám cưới chỉ là một kiểu của nhịp sống mà nhiều sinh hoạt của con người được dịch vụ chăm sóc một cách tận tình. Bây giờ chuyện nhỏ nhất như thay một cái bóng đèn, cắt tỉa cái cây, dọn nhà cửa… cũng có thể thuê dịch vụ. Một phía nào đó, đây là dấu hiệu của đời sống đang phát triển rất đáng mừng, chỉ đáng tiếc nhiều bộ phận nhân dân, nhất là dân nông nghiệp không phải là giàu có gì nhưng luôn bị “cuốn theo” dịch vụ. Thử ngẫm nghĩ rằng đó có phải là phát triển hay không khi một nông dân có con đau ốm lặt vặt phải đến dịch vụ khám chữa bệnh tư, tốn hàng trăm nghìn đồng với một mớ thuốc đã bị cà nhuyễn cho mất nhãn mác. Những dịch vụ như thế này một phần cho thấy người dân nghèo “đành chấp nhận”, và mặt khác là nỗi lo về khoảng cách của họ với người giàu ngày càng rộng ra.
MINH ĐỨC