Theo dòng nước lũ
Bão số 8 qua, chồng tiếp bão số 10 với cái tên hay ho “bão con bướm” (tên quốc tế là Wutip). Bướm mà chẳng lãng đãng, lãng mạn gì. Bão ào vào miền Trung, xót cảnh nhà bay, tàu nát, người chết… Sau bão, các con sông gầm réo, lũ về.
Ngoại trừ bão khá bất thường, khó lường, chứ lũ lụt thì đã quen. Các vị cao niên sống dãi dầu trên vùng đất này, còn chứng kiến những “ngấn” nước lũ in lên bờ tre, bờ vách tường nhà, như vết tích bể dâu đời người. Lũ lụt, bình thường năm nào cũng có, từ độ này đến hết 23.10 âm lịch còn mấy cây lụt nữa. Cái nhìn cũng bình thường, ứng phó cũng quen cách. Thường hết mùa gặt hè thu, lúa chất bồ kê cao, tre giàn thu nhặt đem chằng chống sau hè. Lại trữ cá khô, vài hũ mắm, dầu đèn,… chờ lụt ngâm mới đem ra ăn. Trong cái lạnh phả lên từ con nước bạc ì oạp, người ta ngồi ăn cơm với mắm kho, hay với cá rô chiên dầm mắm ớt cay xè, ngẫm cũng là cái thú ở đời. Nhà nông còn xem mức độ lũ lụt để đoán thời tiết, khí hậu chuyển vận ra làm sao để tính mùa màng tới trồng trọt gieo cấy thứ gì. Cơn lũ lụt với họ, vừa giúp thu dọn đồng ruộng bớt thứ chuột hại, sâu rầy, vừa trải ra một lớp phù sa nõn nà làm giàu cho “đất nghỉ”. Vậy, có lụt vừa vừa là nhà nông mừng, tất nhiên không kể cảnh tang thương vì lụt quá lớn như các năm Thìn (1904, 1964).
Năm nay, mặc những dự báo hạn hán kéo theo lũ lụt khủng khiếp, cho đến giờ này vẫn thấy trời thuận hơn mấy năm. Năm qua, không lụt, chuột với sâu rầy đẻ bầy, cắn nát lúa, đã la làng rồi. Sự bình thường của lũ lụt với miền xứ Quảng, đón đợi thì như ý, tầm mức vừa phải. Điều đáng ngẫm hơn là trạng thái bất bình thường của tốc độ lũ. Việc thủy điện xả qua tràn là đương nhiên vì mưa lớn, nước nguồn về nhiều. Cái chính ở chỗ phải thông báo xả lũ. Quy trình thì đã nói, có chỗ phải thông báo trước 2 tiếng đồng hồ, vậy mà có một số nơi bà con chưa kịp nghe thông báo gì đã thấy nước dâng ào ào. Nước dâng nhanh, ai chủ quan, hoặc nghe lõm bõm thì dễ bị trôi đồ, đi đường bị tắc, trầm trọng là có người vượt qua suối bị cuốn trôi mất tích.
Lũ về nhanh hơn, ngẫm lại, cũng bởi chính con người. Xưa, người ta lấy hương mà cắm đầu con nước đo tàn mấy tuần thì biết “cữ” nước tới đâu, lên hay rút. Giờ có thước đo lũ, thông báo cấp lũ, nhưng lũ về nhanh thì chưa kịp lường. Ấy là vì trên nguồn chứa khối nước khổng lồ, khi xả thì nước tuôn ào mà đường về chẳng còn rừng ngăn. Lại nữa, đô thị hóa, bê tông hóa khắp, mưa lớn nước thấm không kịp chảy tràn trên bề mặt, nước dâng nhanh hơn, gây úng ngập mà không thoát sớm ra sông, cửa biển.
Sự bình thường và bất bình thường theo dòng nước lũ sẽ đến một lúc cần được suy ngẫm đúc kết. Kinh nghiệm cần rút ra từ đó, để có cách ứng phó hữu hiệu, nhất là làm thế nào để giảm tốc độ dòng lũ. Chuyện thủy điện, chuyện rừng, chuyện kè sông, dựng nhà tránh lũ,… bao suy tư đặt lên vai người xứ Quảng.
ĐĂNG QUANG