Góp vốn đất, tại sao không?

ĐIỆN NAM 14/09/2013 08:54

Thị trường xuất khẩu cao su Việt Nam đang bấp bênh, với sự sụt giảm cả lượng và kim ngạch. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong kỳ xuất khẩu từ 20.8 đến 4.9, Việt Nam chỉ xuất được 48 nghìn tấn, đạt kim ngạch hơn 105 triệu USD, giảm 33,42% về lượng và 32,63% về kim ngạch so với kỳ xuất khẩu trước. Xuất khẩu cao su tới thị trường Trung Quốc, nhà tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam đã giảm mạnh, tới 50,56% về lượng và 51,69% về trị giá (chỉ đạt 16,3 nghìn tấn, với 34,45 triệu USD). Hai thị trường chủ lực khác của cao su Việt Nam là Ấn Độ và Malaysia cũng tụt giảm 15,25% và 18,14% về lượng, tương ứng là 8,8 và 12,12 nghìn tấn.

Tuy thị trường biến động, song dự báo cao su vẫn là loại hàng hóa xuất khẩu gia tăng trong những năm đến, vậy nên Tập đoàn Cao su Việt Nam vẫn kiến nghị Chính phủ điều chỉnh quy hoạch đến năm 2015 cả nước có 1 triệu héc ta cao su (diện tích đã phê duyệt trước đây là 800 nghìn héc ta), để có sản lượng khoảng 1,1 triệu tấn. Chuyện có đất để quy hoạch hay không thì còn  phải bàn, nhưng thực tế  ở nhiều  địa phương trong cả nước đã lấy cao su làm cây chủ lực, và dự báo diện tích sẽ tăng thêm trong dân. Hiện trạng này cũng đang xảy ra ở Quảng Nam, với chính sách hỗ trợ phát triển cao su tiểu điền.

Một điều băn khoăn hiện nay là để phát triển cao su tiểu điền, ngoài chính sách hỗ trợ của tỉnh, thì việc quan trọng hơn là quy hoạch, chỉ ra đất ở đâu để phát triển cao su. Đã có một số nơi chỉ ra đất trong rẫy của dân, hoặc có chỗ rà lại diện tích rừng để tìm đất nơi rừng nghèo nhưng rồi khảo sát thực địa không kỹ khiến diện tích quy hoạch bị chồng lấn, lạm vào rừng không nghèo. Lại có chuyện công ty cao su thỏa thuận với dân để nhượng quyền sử dụng đất nhằm phát triển cao su. Trong khi đó, một số vùng đã phát triển cao su tiểu điền thì lại lúng túng trong khâu tiêu thụ vì hạ tầng đầu tư không đồng bộ nên khó khai thác tập trung, chất lượng mủ cao su giảm khi dân tự khai thác rồi chở đến bán cho nhà máy… Chung quy cộm lên vấn đề là dân muốn phát triển cao su nhưng không có vốn, trong khi doanh nghiệp cao su có vốn mà thiếu đất.

Trước nan đề đó, thử suy ngẫm một cách giải: cho dân góp vốn bằng đất. Tại sao không đặt ra cách thức này? Bởi nếu làm vậy thì dân chỉ cần góp vốn bằng đất được định giá ban đầu, doanh nghiệp hỗ trợ giống, vật tư, kỹ thuật, hạ tầng để phát triển cao su. Cơ chế chia lợi nhuận theo vốn góp thỏa thuận ở mức nào đó mà dân và doanh nghiệp cùng có lợi.

Ngẫm xa hơn việc cho dân góp vốn bằng đất còn có sự phát triển bền vững vì nhận thức và lợi ích, cả tình cảm nữa của nông dân gắn bó lâu dài với đất đai của họ. Và nếu doanh nghiệp giải quyết thêm được đầu ra công ăn việc làm cho chính người chủ mảnh đất đó, bằng cách hướng dẫn họ kỹ thuật trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su thì sẽ tốt hơn. Việc hỗ trợ  với mức 6 hay 12 triệu đồng/ha cao su tiểu điền trong khi để đầu tư cho 1ha đó cần khoảng 100 triệu đồng. Vậy việc góp vốn bằng đất có thể là một lời giải đáng suy ngẫm để mở lối thoát phát triển cao su.

ĐIỆN NAM

ĐIỆN NAM