Xá tội…

BẢO TRÂN 10/08/2013 08:33

Sắp sửa vào mùa Vu lan, ngoài việc lễ hiếu với đấng sinh thành dưỡng dục, còn có lễ liên quan đến một truyền thống nhân văn từ xưa để lại là “xá tội vong nhân”. Đọc lại áng văn trác tuyệt của đại thi hào Nguyễn Du - “Văn tế thập loại chúng sinh”, tự nhiên ngẫm ngợi không chỉ về thân phận cô hồn lạc lối cần xin ơn độ mà còn ở phía người trần. Thì đây, một đoạn thơ như vận vào câu chuyện thực tại: “Kìa những kẻ hài nhi tấm bé/Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha/Lấy ai bang bế vào ra/U ơ tiếng khóc thiết tha nỗi lòng”…

Nỗi lòng của cụ Nguyễn Du như phóng chiếu vào cõi thế để hôm nay chợt có sự việc khiến ta nghẹn lòng khi một độc giả (địa chỉ: thu hue. nguyen.338@facebook.com) trên một trang mạng thổ lộ: “Sáng nay đọc các bài báo nói về việc một em bé sơ sinh vẫn còn thở mà bác sĩ bảo gia đình đem về lo hậu sự, sao mình thấy bức xúc quá... Một sinh linh nhỏ bé mới vừa chào đời thì có tội gì mà đã từ chối mạng sống của em. Cách đây một năm tôi đã từng đọc một truyện ngắn nói về anh bán chiếu. Cửa hàng chiếu của anh nằm trên quốc lộ, đoạn đường thường xuyên xảy ra tai nạn, ngày nào cũng có người chết vì tai nạn giao thông, mọi người đến cửa hàng anh để mua chiếu cho nạn nhân, anh lại thấy vui mừng vì mình bán được chiếu. Nhưng một ngày nọ chính người mẹ già của anh qua đường không may bị tai nạn, mọi người đi đường cũng lại đến cửa hàng anh mua chiếu cho bà, anh bán chiếu vẫn cười vui như mọi khi nhưng lần này anh tò mò muốn đến xem người bị nạn, anh ngất đi khi thấy đó là mẹ mình quấn chiếc chiếu mà mọi người mua cho, chiếc chiếu mà anh vui vì vừa bán được. Chiếc chiếu trở nên ám ảnh mãi cuộc đời anh bởi sự vô cảm”.

Đấy là câu chuyện xảy ra ở Quảng Nam, được xem là một “sự cố đáng tiếc” khi một hài nhi sinh non bị cho là đã chết nhưng đem về nhà thì còn sống nên đưa vào lại Bệnh viện Nhi để cứu chữa. Đành rằng, sự cố trong chuyện sinh đẻ thường có, nhưng nó rơi vào chỗ rất nhạy cảm để nhìn về cái tâm của người thầy thuốc. Cũng như chuyện các em bé tiêm vắc xin bị chết mà báo chí nêu mới rồi cho thấy có điều đáng suy ngẫm về trách nhiệm công vụ của những người làm nghề y. Dù rằng sau những câu chuyện kia, những người có trách nhiệm đã lên tiếng xin lỗi, nhưng mạng sống con người có phải chỉ một lời xin lỗi là xong đâu. Có lẽ phải ngẫm đến sâu xa ý nghĩa của lễ “xá tội vong nhân” mà cầu mong cho tâm hồn vô cảm, nghĩa là đã chết khi còn sống, hiểu về lẽ tồn sinh “một ngày dương gian bằng ngàn ngày âm phủ”. Khi đạt đến cảnh giới, cảnh tình ấy sẽ ngộ ra một điều là sự thờ ơ với sự sống sẽ giết chết sự sống. Không đến mức “thiện ác đáo đầu chung hữu báo” theo thuyết nghiệp báo một cách nghiệt ngã như chuyện về anh bán chiếu mà độc giả nêu trên vừa kể nhưng khó ai bài bác những việc hy hữu vẫn có thể xảy ra trong đời. Vậy thì, cái TÂM sẽ dẫn đường cho mọi sự để xin hai chữ xá tội. TÂM có trong thì TRÍ mới sáng.

BẢO TRÂN

BẢO TRÂN