Đường thoát hiểm
1. Tại cuộc họp ở một khối phố phường An Mỹ, Tam Kỳ, nhiều ý kiến nêu lên việc trong khu dân cư có nhiều người lấn chiếm đường thoát hiểm. Cái đường này có trong quy hoạch xây dựng khu dân cư trước đây, luôn ở sau lưng mỗi dãy nhà, bề ngang chừa vài mét dự tính vừa làm lối thoát hiểm vừa xây cống bên dưới để thoát nước. Vậy mà, có một số hộ cơi nới ra phía sau để chiếm không gian này bày cây cảnh. Tệ hơn, có hộ còn quây đường thoát hiểm để chăn nuôi gà vịt, không những bịt lối thoát khi cần mà còn làm ô nhiễm môi trường.
Một khu dân cư có quy mô khoảng 500 hộ, mà đường thoát hiểm để chữa cháy hoặc xử lý những sự cố cần kíp khác bị lấn chiếm như vậy khiến bà con bức xúc. Điều đáng suy ngẫm là cử tri kiến nghị nhiều lần vẫn chưa thấy ai đứng ra giải quyết cho rốt ráo. Lãnh đạo khối phố cũng chỉ biết nêu ra hướng vận động tháo dỡ chứ quyền lực đâu mà giải tỏa, lại đâu có tiền thi công làm đường thoát hiểm và cống thoát nước phía sau? Lạ nữa, khi làm nhà ai cũng đòi có giấy phép xây dựng, vậy quản lý đô thị của thành phố làm gì khi có tình trạng như vậy? Hãy ngẫm nghĩ đến một lúc khu dân cư phình ra to, lỡ có hỏa hoạn mà đường thoát hiểm bị bịt kín sẽ mang lại hậu quả thế nào?
2. Việc phòng chống hỏa hoạn thì năm nào cũng có triển khai nhưng ai dự lường hết được. Như Hội An, vụ cháy nhà ở phố cổ mới rồi, khiến bà con và du khách kinh hãi. Đường Hội An vốn hẹp, trước sau những kiệt hẻm có những quầy buôn bán, dịch vụ, lại là nhà gỗ, nhà bán vải, lồng đèn, hàng lưu niệm liền nhau… cháy thì sợ lan nhanh mà khó cứu. Ngẫm lại quy hoạch của người xưa phải chăng hợp lý hơn khi bố trí thương cảng trên bến dưới thuyền, nhà có hai mặt quay ra phố ra sông, sẽ dễ xoay trở hơn khi “bà hỏa” viếng thăm. Sự phát triển dịch vụ du lịch đến một mức nào để những đường thoát hiểm không bị tràn lấp? Cái sự này, ngẫm kỹ không phải là lo hão đâu.
3. Hình ảnh của phố xưa còn lưu dấu bóng người đi báo phòng hỏa hoạn, đại để có lời rao “trời hanh vật khô cẩn thận củi lửa”. Liệu chỉ có củi lửa thôi sao? Có cái trời làm nên lửa như sét đánh. Nhưng ngày một nhiều hơn những thứ do con người chế ra có thể dẫn đến nguy cơ cháy nổ. Xưa là than, củi, giờ thì bếp ga, điện,… cái sự tiện nghi đa dạng hơn thì nguyên do bất cẩn dẫn đến thiêu trụi cơ nghiệp cũng nhiều hơn. Suy ngẫm về chuyện củi lửa, nói rộng ra xã hội với những nguy cơ bất toàn, bất an, luôn đặt lên đầu sự phòng bị của con người. Vậy nên, trong quy hoạch, phát triển đô thị luôn phải chú ý có đường thoát hiểm khi xây dựng phố xá, và trong việc sinh hoạt cũng phải cẩn thận phòng xa.
ĐĂNG QUANG