Thi cử, làm cái gì lạ thế?

HỨA XUYÊN HUỲNH 01/06/2013 09:29

Mỗi khi nhớ lại những đoạn văn mô tả cảnh làm bài thi đăng tải trên tuần báo Sông Hương do Phan Khôi làm chủ nhiệm kiêm chủ bút (kéo dài 32 số trong 2 năm 1936-1937), chúng tôi không nhịn được cười. Với giọng văn dí dỏm, tác giả Tú Vườn (sau này được biết tên thật là Hàn Thế Du) trong loạt bài nhiều kỳ “Đi học đi thi” (Ký ức lục của một vị lão Nho) đã bình luận: “Nếu trong khi ấy mà có người ở một nước nào xa lạ đến xem, họ sẽ thấy mà không hiểu làm cái gì lạ thế”.

“Nếu trong khi ấy”, tức là khi bắt gặp cảnh học trò làm bài trong ngày “tịch thượng”, hình thức làm bài tập trung ở trường trọn một ngày. Chợt  liên tưởng đến kỳ thi sắp tới mà đâm lo.

Trở lại với lối làm bài của kỳ “tịch thượng”, dẫn theo tư liệu từ tuần báo Sông Hương, Tú Vườn viết: “Sáng sớm, ai nấy đều đã tới trường đông đủ cả. Mỗi người mang viết, mực, giấy nháp, quyển vở và yên, trắp theo. (…) Bữa nay thì kẻ đứng người ngồi, lộn xộn, không được tịnh túc như ngày thường nghe sách. Vì trước khi ra đề, ai ai cũng dộn dực muốn biết là đề gì, nên đi lại, xầm xì bàn tán với nhau. (…) Trong lúc ấy họ cũng hay hút thuốc, hoặc thuốc quấn giấy, hoặc thuốc quấn nguyên lá như điếu xì gà. Một người xuống nhà dưới, kiếm một khúc dây dừa đứt, đem vô bếp đốt một đầu, rồi đem lên để dành thắp thuốc vì bấy giờ còn hiếm diêm”…

Quang cảnh lộn xộn này, liệu có gì khác so với “viễn cảnh” thí sinh mang máy quay phim vô phòng thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới mà không cần phải đăng ký, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT?

Thực ra, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng khống chế các loại máy thu phát tín hiệu để ngăn chặn gian lận trong thi cử. Nhưng càng hướng dẫn, càng thấy rối. Hàng loạt câu hỏi đặt ra cho thí sinh lẫn giám thị, vì còn phải phân biệt đâu là loại máy móc được phép, và nếu thiết bị không đúng quy định thì phải xử lý ra sao… Thử lướt qua các chi tiết hướng dẫn: Các loại thiết bị (được phép mang vào) không có loa và tai nghe; không có màn hình hiển thị hình ảnh; không có bộ phận chức năng truyền thông tin (bluetooth, wifi…). Chính các địa phương cũng rối mù theo, bởi nơi ra thêm quy định cấm thí sinh “quay ngang quay ngửa” để đảm bảo trật tự phòng thi, có nơi lo xa tính phương án buộc thí sinh phải có trách nhiệm chứng minh vật dụng mang vào phòng thi nếu giám thị thắc mắc (?!)

Thật dễ hiểu khi dư luận đang phản ứng đa chiều về các quy định “mở” của ngành giáo dục. Kể từ khi thí sinh phanh phui vụ gian lận thi cử ở Đồi Ngô (Bắc Giang), xem ra lực lượng giám sát thi cử như giám thị, hội đồng coi thi đã bị “nghi ngờ” đến độ thí sinh được phép giám sát trở lại. Tuy nhiên, câu hỏi “Thí sinh đi thi hay đi… chống tiêu cực?” không đơn giản chỉ là câu hỏi tu từ, mà rộng hơn, bao hàm trong đó sự mỉa mai.

Một vài ngày nữa thôi, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ sôi động. Liệu những phòng thi của thế kỷ XXI có khiến Tú Vườn phải bật cười, hay người ngoại quốc tình cờ bắt gặp mà không hiểu thí sinh “đang làm cái gì lạ thế”?

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH