Tin ở hoa hồng

HỨA XUYÊN HUỲNH 25/05/2013 10:08

Học giả Vương Hồng Sển trong hồi ký “50 năm mê hát” khiêm tốn bảo rằng cụ chỉ “muốn dọn lại, thu xếp lại những gì mót máy suốt năm chục năm dư, từ năm 1945 cho đến hiện giờ (năm 1968, căn cứ theo lời tựa của tác giả – NV), muốn thu thập những gì lượm lặt khi sát cánh gà, khi đứng từ xa nghe ngóng, nhưng luôn luôn suốt một đời, vẫn mê đeo đuổi theo nghề ca hát”. Ấy là những ký ức về cải lương, dù tâm nguyện cụ muốn để lại sau này có đến 2 thứ: hát bội và cải lương.

Nói cụ Vương khiêm tốn quả không sai, bởi một đời cụ dành nhiều tâm huyết khảo cứu về hát bội, cải lương, tất nhiên cụ có sở học với các trò chơi chọi gà, chơi chim… và đặc biệt là thú cổ ngoạn. Chỉ riêng ngót 300 trang hồi ký cải lương, cụ mang đến cho độc giả nhiều tâm sự về nghệ thuật và ngồn ngộn tư liệu. Tấm lòng và niềm đam mê của cụ với nghệ thuật, với ánh đèn sân khấu thật sâu dày.

Với nhiều loại hình nghệ thuật khác, may mắn thay vẫn chưa tắt hẳn ánh đèn sân khấu, vẫn còn người chuộng. Nhưng cũng lo lắng thay, khi niềm đam mê ấy cứ vơi dần theo từng ngày… Nên sẽ không ngoa khi có ý kiến cho rằng, cuộc thi sân khấu tuồng – dân ca chuyên nghiệp toàn quốc 2013 đang diễn ra tại Quảng Nam đã đánh thức nhiều tâm sự.

Như cố GS. Hoàng Châu Ký từng nhận định, “lịch sử tuồng Quảng Nam phát triển rất nhanh gồm nhiều bước đi đúng hướng, đã tạo được mấy lớp nghệ sĩ tài danh đóng góp vào sự nghiệp chung của nghệ thuật dân tộc”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Q.Thắng, các tác giả xứ Quảng như Nguyễn Hiển Dĩnh, Ấm Hổ có một số vở tuồng đạt tầm giá trị nghệ thuật nhất nhì toàn quốc, có thể sánh ngang tầm Nguyễn Diêu, Đào Tấn ở Bình Định. Vậy mà, lần này Bình Định vẫn đưa Nhà hát tuồng Đào Tấn ra (với vở diễn “Đêm sáng phương Nam”), Đà Nẵng đưa Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh vào (vở “Hoàng Diệu”), còn đất tuồng xứ Quảng lại im vắng.

Nhưng dẫu sao, các giá trị văn hóa không “phân chia” vùng miền, cũng như nghệ thuật luôn để ngỏ vùng giao thoa. Nhiều khán giả theo suốt các chương trình biểu diễn tuồng, dân ca kịch của các đoàn không khỏi xúc động khi trong từng vở diễn, vẻ đẹp của các loại hình nghệ thuật được PR một cách kín đáo, trân trọng và vô tư. Vở “Sáng trong như ngọc – Một con người” của Nhà hát nghệ thuật ca kịch Huế để cho nhân vật Nguyễn Chí Thanh (nguyên mẫu Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, gốc Huế) cổ vũ các liền chị xứ Bắc hát quan họ. Còn trong vở tuồng “Hoàng Diệu” (Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), lại nghe “khoan hố hợi là hò khoan…” cất lên từ Hà thành qua giọng ca của người vợ hiền, khi vị tổng đốc kiên trung đang trong giai đoạn cam go chống chọi giặc Pháp tấn công…

Đam mê như cụ Vương Hồng Sển, mà ngót 45 năm trước cũng từng một lần do dự bảo “từ rày, tôi không đi xem hát nữa” vì có tuổi, vô rạp ngồi lâu thêm đau lưng lại gặp nhiều việc chướng, nằm nhà vặn máy thu thanh nho nhỏ cũng đủ nghe…; huống hồ bây giờ. Nên nghệ thuật truyền thống sẽ bị lấn át, sẽ dễ mai một là điều đương nhiên. Nhưng làm sao để những viên ngọc quý ấy không bị mờ, bị tì vết… mới là điều đáng suy nghĩ. Đành mượn tạm tên một tác phẩm của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, “Tin ở hoa hồng”, để tin vào ngọn lửa ấm áp nơi sân khấu chuyên nghiệp đang sáng đèn ở Quảng Nam những ngày này vậy.

HỨA XUYÊN HUỲNH

HỨA XUYÊN HUỲNH