Áp lực
Đề án xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Quảng Nam giai đoạn 2011-2015 đưa ra hạn mức “xuất” bình quân 800 lao động mỗi năm, nhưng năm 2013 đặt chỉ tiêu có phân nửa. Phân nửa, nhưng lại không dễ thực hiện và đối mặt với rất nhiều áp lực. Đến nỗi, có công ty môi giới tuyển dụng đã nói thẳng: Chuyện sang nước ngoài lao động đâu chỉ toàn màu hồng!
Áp lực, vì trọn năm 2012 cũng chỉ có thêm 120 lao động xứ Quảng ra nước ngoài làm việc. Kể từ khi đề án XKLĐ ban hành, đã có 2 năm liên tiếp Quảng Nam chưa đạt mục tiêu. Đây là lý do mà chính quyền địa phương và các công ty tham gia tuyển dụng vừa phải ngồi lại với nhau trong một hội thảo chuyên đề để bàn giải pháp và… xốc lại tinh thần. Nhưng trước đó, khi tổng kết tình hình thực hiện các chương trình, chính sách dự án trên địa bàn miền núi Quảng Nam giai đoạn 2006-2011, UBND tỉnh đã nhận ra nhiều hạn chế của công tác XKLĐ. Mà hạn chế rõ hơn cả thuộc về số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ít, hầu hết là lao động phổ thông hoặc có trình độ chuyên môn kỹ thuật thấp...
Từ câu chuyện của XKLĐ, chúng ta mở rộng góc nhìn về chất lượng việc làm của người lao động xứ Quảng. Chất lượng chưa cao, lại thiếu tính ổn định, bền vững trong việc làm, trong khi hiệu quả tạo việc làm còn thấp..., đây là những mối “ràng buộc” lẫn nhau khiến cho các chương trình mục tiêu về lao động - việc làm luôn gặp thách thức. Cũng từ đó, tiếp tục nhìn ra lỗ hổng từ nhiều phía khác nữa: cái gốc là chất lượng thực của đào tạo nghề, kế đến là tư vấn tuyển dụng, rồi tổ chức cho lao động ra nước ngoài làm việc... Chỉ cần hổng ở một khâu, là hỏng. Đơn cử tác phong công nghiệp. Khoảng 10 năm trước, nhiều lần theo đoàn công tác liên ngành của tỉnh xử lý các vụ đình công ở khu công nghiệp, chúng tôi thường nghe các chủ doanh nghiệp là người nước ngoài than phiền về tác phong “lạ” của một số lao động, họ thích thì đến công ty, kẹt chuyện giỗ chạp thì... ở nhà nghỉ khỏe. Ở trong nước đã vậy, ra nước ngoài càng “lộ diện” và chuyện lao động bỏ trốn hay bị thải hồi về nước sớm đã không còn mới mẻ gì.
Tình hình XKLĐ ở Quảng Nam không đạt chỉ tiêu như mong muốn vì nhiều lý do, có cả lý do thị trường biến động. Nhưng quan trọng hơn cả là sự chuẩn bị về lực lượng. Phân tích từ hội thảo chuyên đề về XKLĐ vừa được Sở LĐ-TB&XH tổ chức cho thấy cung cách tổ chức dạy nghề, tư vấn, giới thiệu, phổ biến chính sách... của các bên cũng rất “nghiệp dư”, chứ không riêng gì người lao động thiếu chuyên nghiệp. Trong một báo cáo khác của UBND tỉnh cũng đã thẳng thắn đề cập chuyện trung tâm giới thiệu việc làm còn hạn chế về khả năng tư vấn, giới thiệu việc làm.
Cuộc điều tra về biến động cung lao động trên toàn tỉnh sẽ khởi động vào đầu tuần sau (15.4) và kéo dài trong 2 tháng. Trước đó, trong giai đoạn 2006-2011, định kỳ hằng năm Quảng Nam cũng tổ chức điều tra lao động-việc làm để xây dựng cơ sở dữ liệu và thị trường lao động. Riêng khu vực 9 huyện vùng cao miền núi, ngành chức năng đã kịp thu thập thông tin về nhu cầu lao động của gần 70.000 hộ dân. Đây thực sự là mảng thông tin “nền” rất cần thiết. Nhưng chừng đó thôi vẫn chưa đủ. Biết rõ nhu cầu là một chuyện, còn tổ chức dạy nghề, tư vẫn hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho thực sự hiệu quả lại là chuyện khác.
Muốn cởi bỏ áp lực quả thực không dễ, cũng giống như biết rõ thị trường XKLĐ “béo bở” về thu nhập nhưng đâu phải ai cũng cầm chắc cơ hội.
KỲ SINH