Lệ thuộc rừng
Từ quan niệm cộng sinh, giữa con người và tự nhiên dần tách rời và trở nên “lệ thuộc” nhau, mà rõ nhất là câu chuyện giữ rừng. Giảm bớt sự lệ thuộc vào rừng - kinh nghiệm mà Quảng Nam đúc kết sau hơn 2 năm siết chặt các biện pháp bảo vệ rừng - cũng mở ra giải pháp mới để rừng đỡ bị xâm hại.
Số liệu thống kê từ tháng 6.2010 đến tháng 8.2012 của UBND tỉnh cho thấy ngành chức năng đã phát hiện 3.144 vụ vi phạm liên quan đến rừng, bình quân mỗi ngày có đến 4 vụ việc bị ngăn chặn. Diện tích rừng tự nhiên bị phá từ những vụ việc này cũng được ghi nhận bằng một số liệu: gần 2,5 triệu m2. Mà đấy chỉ là thiệt hại đo đếm được từ các vụ xâm hại bị phát hiện. Và rừng, trong hoàn cảnh này, chính là đối tượng bị “lệ thuộc” vào sự can thiệp nhiều hay ít của con người...
Nhưng cái gốc của vấn đề, như báo cáo của UBND tỉnh về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 14-NQ/TU ngày 4.6.2010 của Tỉnh ủy (về tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng và phát triển rừng), lại nằm ở chỗ: Phải sớm tìm cách để con người không phải “lệ thuộc” vào rừng. Những ngày giáp tết, các cửa rừng ở Quảng Nam gần như bị giám sát chặt hơn bao giờ hết sau khi chính quyền khởi động chiến dịch truy quét trước, trong và sau tết, trong đó có nội dung ngăn không cho các đối tượng mang phương tiện, dụng cụ vào rừng trái phép. Ngay đến diện tích thăm dò vàng gốc ở Phước Sơn cũng bị xem xét “cắt” bớt với lý do giảm sự ảnh hưởng đến rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và một phần Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh…
Nhắc lại câu chuyện này để thấy, tác nhân xâm hại rừng không chỉ có người dân địa phương. Nhưng trong một giải pháp mang tính bền vững, chính quyền địa phương vừa xem chủ trương giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, định canh định cư là cách “giảm bớt sự lệ thuộc” vào rừng. Là bởi, khi cuộc sống ổn định, người dân sẽ không phải tìm kiếm khoản thu nhập từ các hoạt động khai thác rừng trái pháp luật. Cuộc sống của người dân miền núi phụ thuộc nhiều vào tài nguyên rừng, áp lực xấu tác động vào rừng tự nhiên ngày càng lớn khi diện tích đất trồng rừng nguyên liệu chưa đáp ứng. Vì thế, sẽ dễ hiểu vì sao tiến độ hoàn thiện đề án giao rừng gắn với giao đất cho các ban quản lý rừng được thúc giục như thế, phải tổ chức thực hiện từ năm 2013 và phấn đấu hoàn thành sau 2 năm nữa.
Xâm hại tài nguyên rừng không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng xâm hại một cách dồn dập, bằng nhiều hình thức thì quả thật đang ở mức cao điểm. Từ cộng sinh, đã dần chuyển sang tận diệt, và câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt” mà dân gian đúc kết không phải là vô cớ. Nên chi, yêu cầu giảm bớt sự lệ thuộc vào rừng thông qua thúc đẩy sinh kế trong vài ba năm tới buộc phải song hành với biện pháp ngăn chặn từ bên ngoài (ngoại kích) như đang mở chiến dịch ngăn chặn từ trước tết, may ra rừng mới được bảo toàn.
KỲ SINH