Định nghĩa hàng Việt

TRỊNH DŨNG 25/01/2013 07:17

Sự thành bại của nhiều chương trình “đưa hàng Việt về nông thôn” không phải chỉ do người tiêu dùng quyết định. Nó còn phụ thuộc rất nhiều vào việc thay đổi thái độ ứng xử của doanh nghiệp với thị trường nội địa và với người tiêu dùng

Một vòng các trung tâm thương mại và các chợ lớn nhỏ, dễ nhận thấy hàng Việt đã rất tích cực thâm nhập kênh bán lẻ hiện đại và đứng cạnh các thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có Co.opMart, Big C tiến hành kết nối để phát triển và đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Nhiều cửa hàng khác thì chú trọng phân phối hàng ngoại nhập, chủ yếu tập trung ở khâu rượu, bánh kẹo, thực phẩm… Hàng tiêu dùng nhập khẩu chiếm ưu thế hơn so với hàng nội và các chương trình khuyến mại cũng được áp dụng cho các sản phẩm này. Bà Trần Huyền Trang, một đại lý phân phối hàng ở Tam Kỳ nói họ vẫn bán song song nhiều mặt hàng cùng loại. Việc bán hàng nhập khẩu là để đa dạng nguồn hàng, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng. Lợi thế hàng nhập khẩu là các công ty đầu mối thường tổ chức các chương trình khuyến mại để hấp dẫn người tiêu dùng. Hơn nữa, mức chiết khấu cho các đại lý, nhà phân phối cũng cao hơn so với hàng Việt. Các thương hiệu ngoại sẵn sàng trả thêm chi phí để các đại lý trưng bày hàng ở vị trí tốt nhất cũng như cam kết bán hàng lâu dài. Hơn nữa, giá hàng ngoại đắt hơn nhưng người tiêu dùng vẫn thích sử dụng…

Năm nào gần tết cũng mở hội chợ. Nhà sản xuất, nhà phân phối mang sản phẩm đến hội chợ với mong muốn bán được hàng và giới thiệu với người tiêu dùng. Tuy nhiên, hội chợ mỗi năm mỗi tệ trong mắt người nội trợ. Họ có cảm giác rất nhiều hàng hóa “không xuất xứ” hay chất lượng “thường thường bậc trung”, không thể cạnh tranh ở thị trường đâu đó… lại “dạt” về Quảng Nam trong những ngày cận tết. Tìm đỏ mắt mới thấy sản phẩm có đóng logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao”.

Vì vậy, rất cần một định nghĩa cho hàng Việt, rằng đó không phải là những mặt hàng kém chất lượng, chẳng hấp dẫn về chất lượng hay mẫu mã của sản phẩm… Nếu doanh nghiệp nào cũng cố gắng kết nối với tiêu dùng, nỗ lực bền bỉ nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm sản xuất tại Quảng Nam hy vọng định danh trên thị trường hay ít nhất cũng được gắn một chữ V cho chất lượng…, thì sẽ tốt biết bao! Ông Nguyễn Minh, chủ hãng trà Mai Hạc (Tam Kỳ) nói chữ V gắn trên sản phẩm là phần thưởng xứng đáng, đẩy trách nhiệm doanh nghiệp cao thêm, từ đó chính doanh nghiệp phải luôn tìm cách bảo hộ thương hiệu để được khách hàng tín nhiệm. Đó không chỉ là lời cám ơn mà còn là sự đền đáp cho sự lựa chọn của người tiêu dùng.

Có thể khẳng định, việc một bộ phận người tiêu dùng quay lưng lại với hàng sản xuất trong nước không hẳn do tâm lý sính ngoại, mà do nhà sản xuất đã đánh mất lòng tin của họ vào sản phẩm của mình. Nó xuất phát từ sự thiếu tôn trọng và sự quan tâm chăm sóc khách hàng. Điều đó thể hiện qua chất lượng dịch vụ hậu mãi kém, nhất là tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện các cam kết về chất lượng sản phẩm. Thực tế cho thấy, không thiếu những sản phẩm trong nước sản xuất gần như chiếm lĩnh thị trường nội địa như xi măng, thép xây dựng, hàng nhựa, gạch ốp lát… Cũng không thiếu những phiên chợ hàng Việt từ thành thị tới nông thôn với những mặt hàng chất lượng, nhất là hàng đóng logo “Hàng Việt Nam chất lượng cao” được người tiêu dùng lựa chọn. Nếu các mặt hàng khác cũng được người tiêu dùng tin tưởng về chất lượng như những sản phẩm kể trên, thì chuyện vận động họ dùng hàng nội địa sẽ không quá khó.

TRỊNH DŨNG

TRỊNH DŨNG