Vết lũ
Câu chuyện người dân làng chài nơi thượng nguồn Thu Bồn tại địa phận huyện Nông Sơn đang thấp thỏm, muốn bỏ nghề sông nước để lên bờ mỗi khi nghĩ về kịch bản xấu nhất từ phía thủy điện Sông Tranh 2, là nỗi lo mới manh nha. “Kịch bản xấu nhất” ấy từng đặt ra trong phương án ứng phó vỡ đập mà cơ quan chức năng hiện đang tiếp tục xem xét. Trong kết luận giao ban của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh hồi tuần trước, Quảng Nam đã thống nhất chủ trương tổ chức diễn tập ứng phó với động đất 1 lần vào năm sau tại Bắc Trà My với qui mô diễn tập 2 cấp (xã - huyện) theo đề nghị của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Kịch bản giả định mà lực lượng chức năng của huyện Bắc Trà My từng trình bày với đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 trước đó đã phác thảo tình huống phải sơ tán hàng chục nghìn hộ dân tại các xã Trà Đốc, Trà Tân, Trà Sơn, Trà Giang, thị trấn Trà My đến các điểm cao gần nhất; trong khi lực lượng quân sự tỉnh hợp đồng tác chiến với 7 đơn vị thuộc khối lực lượng vũ trang và các đơn vị khác như phòng chống lụt bão, y tế…
Tình cảnh thấp thỏm ở làng chài thượng nguồn Thu Bồn có lẽ chỉ là cá biệt, bởi thống kê trong vòng 10 năm qua Quảng Nam đã di dời khoảng 10 nghìn người dân đến khu tái định cư, bình quân mỗi năm có thêm 1.000 người thoát khỏi khu vực bị ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng. Chương trình quản lý rủi ro thiên tai tổng hợp và xây dựng mô hình lũ (bản đồ ngập lụt) mà Quảng Nam được tài trợ bởi Hiệp hội Phát triển quốc tế IDA thuộc Ngân hàng thế giới cũng giúp chia sẻ khó khăn với địa phương trong nỗ lực ứng phó thiên tai. Mặc dầu vậy, sẽ còn những đợt di dời khỏi vùng trũng thấp, sẽ có thêm các vết lũ lịch sử mới khi diễn biến thời tiết ngày càng bất trắc. Và cũng sẽ giảm thiểu “dấu vết” sợ hãi nơi người dân vùng hạ du, nếu ngay từ bây giờ chúng ta kiểm soát tốt những tác động gây ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên.
KỲ SINH