Cửa thoát lũ
UBND tỉnh vừa ký quyết định phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc giai đoạn đến năm 2030. Trong rất nhiều đề mục, tôi chú ý đến khu vực hạn chế xây dựng.
Quy hoạch nêu cụ thể các khu vực hạn chế xây dựng gồm: Lưu vực thoát lũ qua cầu Hòa An xuống cầu Đại Hiệp; Lưu vực thoát lũ từ cầu ông Già và khu vực bàu Sen xuống cầu Chánh Cửu; Lưu vực thoát lũ qua cầu Ngoại Thương; Lưu vực thoát lũ từ sông Vu Gia xuống cầu Phốc về bàu Giáo An.
Đối với khu vực này khi đầu tư xây dựng các dự án phải chừa kênh thoát lũ, thoát nước mặt theo quy hoạch chung, giữ lại bàu Phốc làm hồ điều tiết cho khu vực phía đông nam của thị trấn; Lưu vực thoát lũ từ tuyến ĐH03 (Đại An) về cầu Phốc.
Đồng thời không xây dựng các công trình trên hành lang bảo vệ sông Vu Gia, sông Yên. Quy hoạch cũng xác định 3 lưu vực thoát nước mặt khá chi tiết và đều liên quan đến các ngả thoát nước tại những vị trí này.
Đọc và khấp khởi mừng, vì lẽ nhà chức trách đã chú ý đúng mức đối với vấn nạn đô thị hiện nay: ngập. Nếu tốt hơn nữa, thì phải giữ lại nguyên trạng các hồ, bàu như hiện tại, thậm chí nạo vét rộng như 20-30 năm trước.
Và KHÔNG XÂY DỰNG - chứ không chỉ là hạn chế xây dựng. Đó phải là tầm nhìn cho giai đoạn quy hoạch 50 năm, thậm chí là 100 năm. Ai sinh ra lớn lên ở thị trấn này, đều tường tận các khu vực đó có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong mùa mưa lụt hằng năm.
“Nước băng cầu Chánh Cửu rồi”, “Nước băng cầu Phốc rồi”… là những cách thức “đo nước” để chủ động phòng chống lũ lụt của người dân Ái Nghĩa.
Quy hoạch và tuân thủ quy hoạch phải trùng khít với nhau. Hành lang thoát lũ phải được quản lý chặt để tránh việc đã rồi với các công trình/dự án phát sinh trong quá trình phát triển.
Thực tế nhiều năm qua, trong quá trình phát triển đô thị, một số bàu, hồ, cửa thoát nước ở thị trấn Ái Nghĩa đã bị thu hẹp đáng kể. Điều này cũng dễ dàng nhìn thấy ở khắp các đô thị ở Quảng Nam và cả nước.
Tam Kỳ ngập úng thường xuyên hơn, trong nhiều nguyên nhân được chính quyền nêu, thì người dân cho rằng các cửa thoát nước bị chặn (như tại khu vực bây giờ đang xây dựng khu phố chợ Chiên Đàn…) là nguyên nhân lớn hơn cả.
Biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp là điều dễ được đem ra “đổ lỗi” nhất. Nhưng nếu trách nhiệm thì phải nhìn thẳng lý do sâu xa hơn chính là việc san lấp mặt bằng ao, hồ làm khu đô thị mới dẫn tới vấn nạn ngập lụt và ô nhiễm môi trường.
Ao, hồ là một phần không thể thiếu trong phát triển hạ tầng đô thị. Nếu diện tích ao hồ bị thu hẹp sẽ làm giảm khả năng tiêu thoát, điều hòa nước mưa, khiến tình trạng ngập úng lan rộng.
Bỗng liên tưởng đến “khu đĩ” trong kiến trúc nhà ngày xưa. Bình thường khu đĩ giúp lưu thông khí, thông thoáng nhà cửa; nhưng khi lũ lụt lớn đe dọa đến tính mạng thì đây là lối thoát hiểm cực kỳ quan trọng. Tính xa và phòng xa với nước đã là bản chất của dân vùng rốn lũ nói riêng, miền Trung nói chung.
Ngày nay, chẳng mấy ai còn làm nhà có khu đĩ nữa, bởi cuộc sống đã khác, ứng xử với thiên nhiên cũng khác. Nhưng chừa cho chính mình cửa thoát lũ là điều không được quên trong các bản quy hoạch, trong các dự án xây dựng ở đô thị và cả ở nông thôn. Đây phải được xem là lối thoát hiểm quan trọng. Bởi hệ quả đã thấy trước mắt là ngập ngày càng nghiêm trọng chứ không còn là chuyện “lo xa” nữa.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, việc trình thẩm định và phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải hoàn thành trong tháng 12/2023. Quy hoạch tỉnh là quy hoạch mang tính chất định hướng và có tầm nhìn dài hạn về phương hướng phát triển, tổ chức không gian hoạt động kinh tế - xã hội và phân bổ nguồn lực của địa phương. Nên kỳ vọng, trong bản quy hoạch này, chuyện về cửa thoát lũ sẽ không bị bỏ quên hoặc đề cập quá mỏng.