Vị ngọt của lòng biết ơn
Có phụ huynh ở một địa phương miền Trung thoáng bất ngờ khi nhận được bức thư bên ngoài in logo “Vị ngọt của lời xin lỗi”. Dù còn vài ngày nữa mới đến Rằm tháng Bảy, anh vẫn gọi đấy là “bức thư Vu lan”.
“Bức thư Vu lan”, bởi ngay những dòng đầu tiên đã thấy viết: “Gửi ba mẹ của con! Đây là bức thư thuộc dự án “Vị ngọt của lời xin lỗi” được cô giáo tổ chức nhân ngày Vu lan năm nay. Đến lúc này, có lẽ ba mẹ đã thấy rằng: con đã lớn”…
Sau đó, nhận thêm tin nhắn của cô giáo, vị phụ huynh mới rõ hơn dự án mà cô giáo dạy Văn cùng nhóm học trò thực hiện trong những ngày hè. “Các con đã viết với rất nhiều cảm xúc gửi đến ba mẹ, và tôi xin được gửi tận tay lá thư cho phụ huynh để hiểu hết tâm tư chưa từng nói của con mình”, cô giáo nhắn.
Vị phụ huynh đọc kỹ bức thư. Con bảo mình đã lớn, đã có nhiều thay đổi, nhưng dù thời gian có trôi đi, dù con có “lớn” thế nào thì vẫn là con của ba mẹ. “Và dẫu khó nói, nhưng con muốn xin lỗi vì những điều phiền lòng mà con gây ra cũng như cảm ơn vì những gì đã làm cho con đến tận bây giờ. Những sự hy sinh ấy, con sẽ mãi không quên. Xin lỗi và cảm ơn vì tất cả!”, thư viết.
Thoáng bất ngờ xen lẫn ngạc nhiên, vì những dòng chữ ấy được nắn nót viết bởi đứa trẻ sắp bước vào lớp 9. “Lá thư Vu lan” có thể đánh động nơi những người cha người mẹ trẻ một sự thèm khát được thổ lộ công khai lời cảm ơn - cảm ơn cha mẹ mình. Và cũng nhắc nhớ rằng, chính họ còn đang nợ nần bậc sinh thành một lời xin lỗi.
Nhưng nội hàm của lễ Vu lan ngày càng mở rộng và cởi mở hơn, chứ không chỉ bó hẹp trong khuôn khổ ngày xá tội vong nhân (theo quan niệm của dân gian) hay ngày báo hiếu.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Vu lan - Đạo hiếu và dân tộc” năm 2023 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa phối hợp tổ chức đã truyền đi thông điệp mở: tôn vinh và phát huy đạo lý uống nước nhớ nguồn, tri ân và báo ân các vị tiền bối, các anh hùng liệt sĩ…
“Chữ hiếu cá nhân đôi khi cần lặng lẽ bỏ lại phía sau để nhường chỗ cho chữ hiếu với Tổ quốc, với dân tộc và chúng sinh vạn loại”, vị đại diện Ban Thông tin truyền thông của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ.
Phải rồi, theo thời gian Vu lan không đơn thuần là ngày lễ tôn giáo thiêng liêng, mà đó còn là ngày lễ của tình người, còn là lời mời gọi mỗi người biết hướng về tổ tiên, quay về cội nguồn.
Trong “Bông hồng cài áo”, thiền sư Thích Nhất Hạnh từng thoáng chùng lòng: “Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng…”. Đến nay, nhiều ngôi chùa đã biết cách làm dịu nhẹ nỗi niềm ấy và xóa nhòa khoảng cách, khi tổ chức lễ Vu lan cho cộng đồng một cách gần gũi nhất có thể.
Trước thềm Vu lan 2023, tôi đọc được dòng thông báo mang nội dung rất đời thường như thế từ một ngôi chùa ở bắc miền Trung: “Tại khu vực bên trái sân chính điện, Ban tổ chức bài trí một góc nhỏ để mọi người có thể check-in cùng bố mẹ; và tại đó cũng có các hoạt động, thử thách dành cho các cặp bố mẹ - con cái, để các con được thể hiện tình yêu thương, thấu hiểu đến bố mẹ”.
Nhiều người ngẫm nghĩ về đạo hiếu với cha mẹ, nhưng đã đến lúc ngoảnh lại để nhìn con cái. Qua sự bày vẽ của cô giáo, các cháu đã biết xin lỗi và cảm ơn. “Lá thư Vu lan” có vị ngọt của lời xin lỗi, có thêm vị ngọt của lòng biết ơn. Lòng biết ơn đến từ những ai biết cởi mở ngay từ hôm nay, chứ không đợi đến dịp Vu lan mới lại cảm thấy hối tiếc nhớ về quá khứ hay thấp thỏm lo nghĩ đến tương lai.