Nhũng nhiễu thị trường sâm

HÀ QUANG 14/08/2023 07:33

Thị trường sâm Ngọc Linh lâu nay đã ngấm ngầm yếu tố bất ổn nhưng có thể vẫn trong tầm kiểm soát do số lượng sâm và hàng hóa chưa nhiều. Nhưng mọi chuyện sẽ khác trên con đường tiến tới một “nền công nghiệp sâm”.

Thông tin trên tờ Dân Việt mấy ngày qua khiến nhiều người trồng sâm Ngọc Linh lo lắng. Cụ thể, sau hơn nửa năm thâm nhập các đường dây nhập lậu sâm ở biên giới phía Bắc, tìm hiểu tận vườn sâm Ngọc Linh chính gốc ở Quảng Nam, Kon Tum, nhóm phóng viên của tờ báo điện tử này đã nhận diện được cách thức “tẩy trắng” sâm lậu từ Trung Quốc thành sâm Ngọc Linh.

Người trồng sâm Ngọc Linh lo lắng bởi chiêu thức này, trước hết sẽ làm nhũng nhiễu thị trường sâm, từ đó sẽ kéo theo hệ lụy là chính người trồng, chế biến sâm Ngọc Linh cũng dễ bị cuốn vào “vòng xoáy” của việc cung cấp hàng hóa kém chất lượng.

Lâu nay, người sử dụng sâm Ngọc Linh chủ yếu mua sâm bằng niềm tin. Tôi cũng vậy. Do có người quen buôn bán sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My nên tôi thường được nhờ gọi điện hỏi mua và chuyển hàng hóa tới tận nơi.

Họ nhờ vả vậy bởi tin tưởng rằng, là người quen của tôi, người bán sẽ giữ uy tín mà cung cấp hàng hóa đảm bảo chất lượng. Bởi vậy, ngoài các sản phẩm sâm củ, lá, rượu sâm thì họ còn nhờ mua cả loại sâm xắt lát ngâm mật ong đựng sẵn trong hũ. Loại sản phẩm này, kể cả người có kinh nghiệm trồng sâm Ngọc Linh khi được xin tư vấn chất lượng cũng chào thua, huống hồ là người sử dụng “không chuyên”.

Vì vậy, tôi đã nhiều lần khuyên người mua nên “lên tận gốc” hoặc đến phiên chợ sâm ở Nam Trà My, nhưng không phải ai cũng có điều kiện, và một phần vì họ mua chủ yếu nhỏ lẻ, thậm chí có khi mua nhưng không phải cho mình sử dụng.

Nhắc một thực tế như vậy để có thêm cơ sở cho nỗi lo lắng rằng, một khi các loại sâm mang nhãn mác Ngọc Linh từ Trung Quốc hoặc các tỉnh miền núi phía Bắc xuất hiện nhiều hơn trên thị trường, thì công tác kiểm soát chất lượng sâm không phải là chuyện đơn giản. Mà thực tế lâu nay nó đã “phức tạp” rồi - theo nhận định của cơ quan chuyên ngành.

Ví dụ từ vụ phát hiện nhiều củ sâm nghi là giả ở phiên chợ sâm Ngọc Linh vừa qua, nhiều người đã đặt câu hỏi về cơ sở khoa học để chứng minh, tức là phải có sự tham gia của máy móc chứ không theo kiểu mắt thường nữa. Mà việc này thì hiện trên địa bàn Quảng Nam chưa thể đáp ứng kịp thời.

Hay như loại sản phẩm phổ biến là lá và củ sâm Ngọc Linh ngâm rượu trên thị trường hiện nay, chuyện kiểm soát chất lượng hầu như bỏ ngỏ. Thực tế có không ít người sử dụng các sản phẩm này đã bị “nhức đầu” vì uống phải thứ củ lá tam thất được độn vào rượu sâm Ngọc Linh.

Để ngăn ngừa tình trạng quấy nhiễu thị trường sâm Ngọc Linh, chính quyền và cả người trồng sâm ở Nam Trà My đã xây dựng nhiều biện pháp “phòng thủ” mà chủ yếu kiểm soát chất lượng từ gốc. Đây được xem là biện pháp hiệu quả nhưng không phải không có kẽ hở, nhất là việc trồng sâm do rất nhiều tổ chức, cá nhân với nhiều phương cách khác nhau nên không phải củ sâm nào từ Ngọc Linh đi ra cũng chuẩn chất lượng.

Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với mục tiêu cụ thể đến năm 2030 sẽ đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP, WHO.

Có thể xem đây là tiền đề cho một “nền công nghiệp sâm” với thương hiệu quốc gia, hình thành tại vùng sâm Ngọc Linh Quảng Nam, điều đó cũng đặt ra câu chuyện kiểm soát thị trường phải hết sức chặt chẽ, và cần bắt đầu từ bây giờ. Bởi, một thứ hàng hóa có giá cao ngất ngưởng và khó kiểm định chất lượng như sâm Ngọc Linh, thực sự là cơ hội tốt cho những đối tượng “buôn gian bán dối” gây nhũng nhiễm thị trường!

HÀ QUANG