Áp lực giải phóng mặt bằng
Giải phóng mặt bằng giờ đây trở thành nguyên nhân của nhiều cản trở, ách tắc trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhưng việc khai thông không hề dễ dàng.
Trong bối cảnh suy giảm, nguồn vốn đầu tư kịp thời “chảy” vào nền kinh tế được cho là giải pháp trước mắt tạo động lực phát triển. Thế nhưng, một trong những nguyên nhân lặp đi lặp lại gây ách tắc nguồn động lực này là công tác giải phóng mặt bằng quá chậm chạp. Vốn của nhiều dự án buộc phải nằm chờ mặt bằng.
Theo dõi tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh, nhiều người không khỏi sốt ruột vì những mốc thời gian “hẹn hò” cuối cùng rồi cũng trôi đi trong mớ ngổn ngang đầu việc. Không ít dự án gần như lâm vào cảnh bế tắc khi lối tháo gỡ vướng mắc vẫn đang rất xa xôi.
Như dự án Khu công nghiệp Thaco - Chu Lai có quy mô 451ha tại xã Tam Anh Nam (huyện Núi Thành), dù đã đặt mốc thời gian bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư là 30/6 với sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao từ lãnh đạo tỉnh, nhưng đến nay tiến độ chỉ đi được hơn một nửa chặng đường; vẫn còn nhiều vướng mắc rất khó tháo gỡ.
Nhiều quy định phải chờ hướng dẫn, quyết định từ trung ương, nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh. Trong khi đó, ở cơ sở, để tìm được tiếng nói đồng thuận từ người dân là không dễ, bởi nhiều quy định không sát thực tế.
“Ngôn dị hành nan”, lãnh đạo một đơn vị thực hiện công tác giải phóng mặt bằng than vãn như vậy về công việc của chính mình, bằng cả những kinh nghiệm dày dặn có được khi va chạm thực tế.
Theo ông, giải phóng mặt bằng là công việc luôn phải gồng gánh áp lực và cả nỗi trăn trở. Con người làm công tác giải phóng mặt bằng vốn đã thiếu và yếu, thêm những vướng víu “không cái nào giống cái nào” từ quy định, thì hỏi sao đội ngũ làm công việc chuyên trách không áp lực cho được.
Ngay như cán bộ địa phương, một bên liên quan chủ yếu có vai trò phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, cũng chạy bở hơi tai khi địa phương có dự án. Như tại xã Tam Anh Nam (nơi dự án Khu công nghiệp Thaco - Chu Lai đặt chân), một số cán bộ cho biết đang “căng như dây đàn” trước nhiệm vụ cấp bách về giải phóng mặt bằng.
Địa phương này có diện tích tự nhiên 2.575ha, là xã nằm ở vị trí trung tâm của huyện Núi Thành; hầu hết diện tích nằm trong quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế mở Chu Lai (còn lại khoảng 700ha phía tây cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nằm ngoài).
Hiện nay trên địa bàn xã có khoảng 1.200ha (chiếm gần 50% diện tích tự nhiên của xã) đang thực hiện các thủ tục liên quan đến thu hồi đất, bồi thường và giải phóng mặt bằng, nên cán bộ địa phương phải... xoay như chong chóng.
Tuy nhiên, áp lực từ giải phóng mặt bằng không hẳn đến từ việc thiếu người thực hiện mà như một số cơ quan chuyên trách nhận định, đó còn ở một hành lang pháp lý đang rất xộc xệch.
Một địa phương có gần một nửa diện tích tự nhiên đã, đang và sẽ ảnh hưởng bởi dự án như Tam Anh Nam, nếu không có được những “điều kiện lý tưởng” để phối hợp thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhất là vận động sự đồng thuận của nhân dân, thì dù có thêm một vài cán bộ chuyên trách nữa cũng chưa chắc trôi chảy.
Luật Đất đai sửa đổi đang tiến đến chặng cuối cùng để đi vào đời sống sớm nhất, là tia hy vọng có thể cải thiện tình hình giải phóng mặt bằng hiện nay ở cấp vĩ mô, từ đó có thể “thông đường” cho cơ sở. Bởi nói như một cán bộ địa phương đã từng tham gia vận động hàng nghìn hộ dân nhường đất cho dự án, có những quy định áp dụng với dân rồi bây giờ mới thấy hối tiếc.
Nhường đất cho dự án, đời sống nhiều hộ dân đã đổi thay, đi lên thật sự, nhưng cũng có nhiều người thay đổi theo hướng ngược lại. Bởi vậy cái lý và cái tình trong thực hiện chính sách thu hồi đất là thứ thường được cân nhắc, cũng bởi tại hiện trạng nhiều vấn đề nảy sinh, vì vậy đôi khi không thể cứ làm ngay ngo mà được!