Tri ân và trách nhiệm

PHAN HOÀNG 24/07/2023 06:29

Cứ quãng tháng 7, là tôi nhận được sách mới của nhà văn Phan Thúy Hà. Lần này là “Đoạn đời niên thiếu” - cuốn thứ 6 của chị. Sách kể câu chuyện của những ông bà quê Nghệ Tĩnh, lớn lên trong kháng chiến, nay đều đã trên 80 - 90 tuổi.

Họ là con của những người yêu nước, tham gia cách mạng, bị Pháp bắt tù đày vào những năm 1930 - 1931.

Tháng 7 năm ngoái, khi đọc “Những trích đoạn của các anh” qua các mẩu chuyện của những thương bệnh binh, tôi hiểu hơn về góc khuất của chiến tranh mà có thể ở quanh tôi, trên mảnh đất có Bà mẹ Việt Nam anh hùng nhiều nhất nước này không hề thiếu.

Tôi thích đọc sách của Hà, thể loại truyện “phi hư cấu”. Chuyện về lớp người đi qua cuộc chiến, những người còn lại “bên này” hay “bên kia” với thương tổn cả thể xác lẫn tâm hồn, không bao giờ lành được. Để thấy rất nhiều thứ, nhiều con người của cuộc chiến bị quên lãng, dù chúng ta – những người sống trong hòa bình hôm nay không muốn.

Đọc sách của Hà, thấm hơn cái giá chúng ta đã trả cho hòa bình hôm nay, để luôn biết ơn những người đã góp máu xương cho quê hương. Như chia sẻ của chị “Tôi không biết gọi tên sách mình là gì, có lẽ đó là một sự tiếp nhận, là một sự đối mặt, một thái độ và trách nhiệm của người đời sau”.

Vâng. Đó là trách nhiệm của đời sau.

Như việc giải quyết chế độ chính sách đối với người có công và thân nhân họ, hay hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ còn tồn sót, hay trả lại tên cho liệt sĩ, hay tìm kiếm hài cốt các anh vẫn còn nằm đâu đó dọc các miền đất… Và còn nhiều nữa cần phải làm.

Như chuyện này tôi ghi lại từ cựu chiến binh Lê Tài Hơn (xã Đông Phú, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Năm tôi gặp, ông 70 tuổi và luôn đau đáu chuyện tìm lại gốc gác cho đứa con của bạn.

Theo lời kể, ông thuộc biên chế Trung đoàn 201, là đơn vị cơ động đặc biệt của miền Đông Nam Bộ. Chu Đình Tứ là đồng đội của ông. Tứ người Điện Bàn được đưa ra Thanh Hóa huấn luyện. Năm 1969, ông huấn luyện ở một đơn vị cơ động bí mật và gặp anh Chu Đình Tứ ở đó. Trong lớp mờ sương ký ức, thì ông nhớ khi ấy Tứ là đại đội phó.

Khoảng 1973 - 1974, trong chuyến hành quân từ Tây Ninh ra Bắc theo đường Trường Sơn, qua đoạn Kon Tum, ông Hơn nghe tin Tứ hy sinh. Ông chỉ kịp nhớ ai đó nói khu vực Tứ nằm lại là Kiến Tường (hay Kiến Đức?). Trong thời gian huấn luyện ở Thanh Hóa, Tứ có tình yêu đẹp với cô gái làng ông và hai người có với nhau đứa con. Con trai liệt sĩ Chu Đình Tứ hiện ở xã Đông Tân, TP.Thanh Hóa.

Ông Hơn nhiều lần cậy nhờ các kênh liên lạc, nhưng rồi lực bất tòng tâm. Trong nhớ quên của tuổi già, ông chỉ mong có chút manh mối để đưa khúc ruột của đồng đội về nhận mặt quê cha đất tổ.

Chuyện của ông Hơn, chúng tôi cũng tìm nhiều cách, có lúc le lói tia hy vọng tìm được manh mối cho con của liệt sĩ Chu Đình Tứ. Nhưng rồi mọi thứ lại trôi đi không sủi tăm. Đã 3 năm trôi vèo, từ ngày chúng tôi nhận lời ông Hơn về Quảng Nam tìm kiếm. Tháng 7, facebook lại nhắc nhớ câu chuyện khi chúng tôi thông qua mạng xã hội tìm lai lịch - nhắc như cứa vào lời hứa chưa hoàn thành.

Chiến tranh không chỉ là bom đạn. Những phận người nhỏ nhoi gắn với bao cuộc chiến trên đất nước ta, mà nỗi đau cứ kéo dài, dù hòa bình được nhắc tên từ năm 1975. Còn rất nhiều hoàn cảnh và rất nhiều câu chuyện như của cựu chiến binh Lê Tài Hơn. Làm sao chúng ta làm hết trách nhiệm của người sống trong hòa bình?

Với những người có công cách mạng hay với những gì thuộc về hậu chiến, làm được gì thì phải làm nhanh, vì quỹ thời gian với lớp người ấy còn quá ít. Bất cứ cuộc chiến nào, chúng ta cũng trả giá cho chiến thắng bằng cả nỗi đau và nhiều sự mất mát.

Như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt từng nói, một sự kiện liên quan đến chiến tranh khi nhắc lại sẽ có hàng triệu người vui mà cũng có hàng triệu người buồn. Nên trách nhiệm của đời sau là tri ân người có công cách mạng và tri ân cả mất mát đau thương của dân tộc này.

PHAN HOÀNG