Cứu nhau qua đoạn khó
Đi đâu cũng nghe than khó là tình trạng chung hiện nay.
Một chủ doanh nghiệp xây dựng công trình dân dụng nói, từ trước tết đến nay anh không xoay xở được việc làm để đủ tiền trả lương cho nhân viên.
Các dự án đã và đang làm, đứng bánh vì nhiều lẽ: không có khối lượng thanh toán hoặc đã đủ khối lượng nhưng quá nhiều thủ tục phát sinh nên tiền chỉ được nhận nhỏ giọt. Hết điều kiện vay ngân hàng, anh phải xoay qua cầm cố tài sản doanh nghiệp và cả mượn người thân, bạn bè để có thể cầm cự.
Các ngân hàng siết chặt việc cho vay khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về dòng tiền, phải lên kế hoạch cắt giảm chi phí như dừng hoạt động các cửa hàng không hiệu quả, cắt giảm nhân sự, giảm chi phí điện, chi phí quảng cáo, marketing và chi phí khác…
Một doanh nghiệp bán lẻ có chuỗi cửa hàng nằm tại vị trí đắc địa ở hầu khắp huyện thị đồng bằng trong tỉnh vừa có văn bản thương lượng với đối tác mặt bằng để giảm chi phí.
Doanh nghiệp này thương lượng giảm 50% giá thuê nhà trong vòng 12 tháng tiếp theo; điều chỉnh chu kỳ thanh toán của 12 tháng tiếp theo theo hướng 1 tháng/lần; đối với các khoản đặt cọc, mong muốn đối tác hỗ trợ bằng cách cấn trừ tiền đặt cọc vào tiền thuê các tháng gần nhất hoặc sử dụng phương án bảo lãnh đặt cọc của ngân hàng. Nếu không đạt được thỏa thuận trong mức có thể, thì doanh nghiệp buộc lòng đóng cửa hoặc thu hẹp quy mô do hoạt động không hiệu quả.
Theo chủ doanh nghiệp này, đó là điều không mong muốn nhất vì ảnh hưởng rất lớn đến người lao động trong xu hướng sa thải nhân công, mất việc hàng loạt và không dễ gì kiếm việc làm mới trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
Ở góc độ nhỏ hơn, như tiểu thương các chợ cũng than không buôn bán chi được, ế chỏng ế chơ, không biết họ (khách hàng) mua đâu vì chợ nào cũng than ế. “Ngồi ngáp cả ngày!” là câu của một tiểu thương ở chợ Tam Kỳ.
Một nhân viên nhà nước than, nửa năm nay gần như không có việc làm. Chữ “không có việc làm” được hiểu là chị làm lĩnh vực xúc tiến đầu tư mà từ đầu năm đến nay không cấp được 1 dự án mới nào, suốt ngày loay hoay với dự án cũ do phải điều chỉnh quy mô dự án, điều chỉnh thời hạn vì doanh nghiệp giãn tiến độ.
Chị nói, cùng với việc thu hút đầu tư, thì công tác rà soát, hậu kiểm sau cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư là điều hiển nhiên phải làm. Cũng như việc quan tâm các nhà đầu tư để góp phần giải quyết dứt điểm dự án chậm tiến độ, tạo cơ hội cho nhà đầu tư khác thực sự có năng lực triển khai dự án. Tuy nhiên, gần như không có năng lượng tích cực vì khó khăn nhiều hơn thuận lợi.
Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đang có nhiều khởi động bằng hành động cụ thể. Công nghiệp, du lịch, thương mại dịch vụ, nông nghiệp và phát triển nông thôn, bất động sản, xây dựng kết cấu hạ tầng là các lĩnh vực được ưu tiên tháo gỡ.
Dự thảo Nghị định quy định việc tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng đang được triển khai lấy ý kiến.
Để có thể cứu doanh nghiệp nói riêng, đã có nhiều cơ chế chính sách liên quan ban hành, nhưng dường như chưa đủ mạnh. Dường như doanh nghiệp và người dân chưa bám được một phao nào chắc chắn để khỏi chết đuối trong giai đoạn này.
Đọc lại chính sách miễn giảm thuế và chẩn cấp cho dân của vua Gia Long và Minh Mệnh để củng cố nền kinh tế, giúp dân thoát khỏi khó khăn trong đoạn từ cuối thể kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 mà ngẫm, ngày nay không thể có một “thượng dụ” như xưa. Nhưng cách làm của người xưa, lại có rất nhiều điều đáng để học.