Chi phí thời gian

LÊ VĂN 24/04/2023 06:35

Một người bạn kể với tôi, cơ quan anh được ngân sách hỗ trợ một dự án nhằm phát triển năng lực chuyên môn nghiệp vụ. Dự án nhỏ, vốn đầu tư không lớn, cũng không liên quan đến nhiều sở, ngành; nhưng mất gần một năm dài kể từ khi hồ sơ kỹ thuật và dự toán được duyệt, vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để triển khai công tác đấu thầu. Những dự trù cải cách sản xuất theo đó rơi vào bế tắc.

Chờ đợi, chờ đợi và…. chờ đợi, có lẽ là tâm lý khá phổ biến của nhiều sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cả người dân liên quan đến các cơ quan công quyền.

Trên các diễn đàn, nhiều phân tích, đánh giá của các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo, quản lý nêu ra hai nguyên nhân cơ bản nhất, là những vướng mắc từ hệ thống chính sách, pháp luật và tình trạng sợ trách nhiệm, mà những năm gần đây, nguyên nhân thứ hai được nhấn mạnh nhiều hơn và phổ biến hơn.

Thủ tướng Chính phủ, trong nhiều hội nghị và các cuộc làm việc với bộ, ngành, địa phương cũng rất sốt ruột trước tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh, vô cảm, chây ì…

Trên diễn đàn Quốc hội, thậm chí có vị đại biểu còn thẳng thắn, rằng đây là “căn bệnh” đang lây lan trong hệ thống - “bệnh sợ trách nhiệm”. Mới nhất là giữa tuần qua, ngày 19/4, Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện yêu cầu chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc ở các cơ quan hành chính các cấp.

Cũng vì thế mà mỗi dịp công bố bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tôi đặc biệt chú ý đến chỉ số thành phần về chi phí thời gian.

Bảng xếp hạng PCI năm 2022 (công bố đầu tháng tư này), Quảng Nam xếp thứ 22/63, tụt 7 bậc so với năm trước và là năm thứ ba liên tiếp tụt hạng (năm 2020 vị trí thứ 13, năm 2021 thứ 19). Trong đó, chỉ số về chi phí thời gian trong bảng xếp hạng năm 2022 ở vị trí 22/63, tụt 3 bậc so với năm trước.

Một dữ liệu khác cũng đáng lưu tâm vừa công bố trong tuần qua là chỉ số SIPAS (đo lường mức độ hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước), Quảng Nam tiếp tục tụt hạng, chỉ đứng trên tỉnh Bình Thuận và Cao Bằng (năm 2020, xếp thứ 51/63 và năm 2021, xếp thứ 57/63).

Nhớ lại, trước ngày công bố bảng xếp hạng PCI không lâu, tại một hội nghị quan trọng của tỉnh, khá nhiều ý kiến bày tỏ sốt ruột về “đường đi” của những hồ sơ, thủ tục.

Một đại biểu thẳng thắn đặt câu hỏi: “Vì sao cùng môi trường pháp lý như nhau, nhưng có những doanh nghiệp nói rằng, đầu tư vào Quảng Nam khó hơn so với nhiều tỉnh khác? Vì sao ở một số địa phương, thủ tục cấp chứng nhận đánh giá tác động môi trường chỉ mất trên dưới một tháng, trong khi ở Quảng Nam, nhiều dự án tương tự phải mất hơn 6 tháng?”.

Nghe đến đây, một vị ngồi bên “rỉ tai” tôi: “Ở mình, giờ doanh nghiệp muốn tìm một héc ta đất để đầu tư dự án nông nghiệp công nghệ cao cũng là không dễ”…

Công bằng mà nói, Quảng Nam không thiếu quyết liệt, quyết tâm và sự sáng tạo, năng động về các mô hình cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư.

So với không ít địa phương khác, tỉnh đã ban hành rất sớm bộ quy trình hướng dẫn trình tự, thủ tục đầu tư dự án trên các lĩnh vực, ngành nghề; mở ra nhiều kênh đối thoại, trực tiếp lắng nghe và xử lý kiến nghị của doanh nghiệp; sớm xây dựng và đưa vào vận hành trung tâm hành chính công ở các cấp; ban hành nhiều nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch đầu tư và thúc đẩy cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số; xác lập bản đồ thể chế để giám sát hoạt động của các cơ quan công quyền;…

Các bảng xếp hằng năm, cũng như theo nhận xét của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia, tính năng động, sáng tạo của chính quyền ở Quảng Nam luôn được đánh giá cao.

Câu hỏi nóng bỏng nhất đặt ra là: Vì sao không thiếu quyết tâm, không thiếu sáng tạo, không thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát, ràng buộc trách nhiệm, nhưng đâu đó vẫn còn không ít những lo lắng, sốt ruột, phàn nàn, bức xúc về “đường đi” của những hồ sơ, thủ tục? Khoảng trống ở đâu?

Thấm thoát, đã nửa chặng đường của kế hoạch 2021 - 2025; trong khi nhiều mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu vẫn còn rất xa vời. Mà thời gian thì không hề chờ đợi…!

LÊ VĂN