Cơ chế đặc thù nào cho Hội An?
Những tranh cãi về phương án thắt chặt kiểm soát vé tham quan Khu phố cổ Hội An đã lắng xuống. Qua chuyện này, cũng thử nhìn lại để thấy, vì sao thời gian qua Hội An luôn mong muốn được tiếp cận câu chuyện bảo tồn và phát triển thành phố di sản này ở góc độ một đô thị đặc thù.
Không thiếu các căn cứ để lãnh đạo TP.Hội An lý giải về quyết định triển khai phương án mới trong việc tăng cường kiểm soát hoạt động thu vé tham quan. Có thể kể đến Luật Du lịch 2017, Nghị định 109 hướng dẫn thực hiện Luật Di sản, Quy chế bảo vệ Di sản văn hóa thế giới Khu phố cổ Hội An ban hành năm 2020… Dù vậy, phương án mới đưa ra đã không thuyết phục, dẫn đến dư luận không hay.
Phải chăng sự rối rắm này một phần bắt nguồn từ chính đặc thù của Khu phố cổ Hội An trong mạng lưới di sản. Đơn cử, khi áp dụng các căn cứ pháp lý cho việc quản lý vé tham quan với 7 di sản thế giới, cơ bản đều suôn sẻ bởi hầu hết hệ thống di tích, điểm đến đều do Nhà nước quản lý. Còn khi ứng dụng vào trường hợp Khu phố cổ Hội An thì luôn gặp những vướng mắc trong thời gian dài bởi có đến gần 85% số di tích thuộc sở hữu tư nhân hoặc tập thể.
Tạm gác câu chuyện vé tham quan, khái niệm đặc thù luôn hiển hiện trong rất nhiều vấn đề bảo tồn, phát triển đô thị cổ này. Hội An đang định hướng trở thành thành phố “Văn hóa - sinh thái - du lịch”. Không ít chuyển động trong đời sống dân sinh nếu không có cơ chế, quy định đặc thù đều có thể tác động đến định hướng lớn của thành phố.
Tại một cuộc họp mới đây về xây dựng phát triển Hội An trở thành thành phố văn hóa - sinh thái - du lịch, lãnh đạo TP.Hội An dẫn một ví dụ: Trước đây Hội An đã có quy định thửa đất dưới 200m2 thì không được tách thửa, nhưng nếu chiếu theo quyết định của tỉnh thì chỉ cần 50m2 là có thể được tách và xây dựng. Nếu cứ áp dụng như vậy thì làm sao Hội An hướng đến thành phố sinh thái với các ngôi nhà có diện tích 50m2?
Ở góc độ rộng và xa hơn, Hội An được định hướng phát triển trở thành đô thị có các tiêu chí tương đương loại 2 vào năm 2025. Và như nhìn nhận của lãnh đạo TP.Hội An, nếu không có cơ chế đặc thù thì ở một số tiêu chí chiếu theo quy định của Bộ Xây dựng gần như Hội An sẽ không thể nào đáp ứng được tiêu chí đô thị loại 2 thông thường.
Tương tự, con đường để Cù Lao Chàm - vốn là phần lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An được công nhận khu du lịch quốc gia của cũng lắm gian nan, là bởi có những “khoảng vênh” mà nếu cố gắng tiếp cận để đáp ứng đúng tiêu chí thì sẽ đi ngược với kế hoạch phát triển bền vững của điểm đến này.
Ngoài ra, còn rất nhiều vấn đề, câu chuyện khác về quản lý xây dựng, bảo tồn làng nghề, đãi ngộ nghệ nhân - văn nghệ sĩ… mà nếu cứ nhất nhất chiếu đúng theo quy định để thực thi trong trường hợp Hội An thì thành phố này mấy chốc sẽ chẳng còn hồn cốt của đô thị di sản.
Cuối năm 2022, UBND tỉnh đã đăng ký Đề án bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Đô thị cổ Hội An và Đề án xã hội hóa Khu đền tháp Mỹ Sơn vào chương trình công tác năm 2023 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Một lần nữa, cơ chế đặc thù phục vụ bảo tồn và phát triển cho Đô thị cổ Hội An lại được xới lên. Để thấy, có rất nhiều câu chuyện liên quan đến tiến trình chuyển động của đô thị di sản này cần được xem xét ở góc độ đặc thù.