Góp ý dự thảo luật đất đai
Quá trình xây dựng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của các tầng lớp nhân dân. Cùng với nhiều kênh khác nhau của tỉnh, bắt đầu từ hôm nay 13/2, Báo Quảng Nam mở chuyên mục nhằm ghi nhận ý kiến góp ý của bạn đọc về dự thảo bộ luật này.
Lĩnh vực đất đai trong những năm qua trở nên nóng sốt, bởi không chỉ đó là nguồn lực quan trọng của Nhân dân mà còn là “điều kiện cần” để Nhà nước triển khai các hoạch định, chiến lược thúc đẩy phát triển xã hội. Luật Đất đai lâu nay đã trở thành công cụ hữu hiệu để quản lý xã hội trên lĩnh vực này, nhưng cũng được cho là dễ bị thực tiễn gây “biến động”, phát sinh vướng mắc và thậm chí lạc hậu.
Trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý đất đai thời gian qua gặp không ít khó khăn bởi nhiều nguyên nhân như thực trạng đất đai phức tạp, nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất tăng cao để đáp ứng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội; đặc biệt, nhiều quy định về đất đai vẫn chưa phù hợp…
Đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước và Nhân dân trong quản lý, sử dụng đất đai là mục tiêu được xem hàng đầu của mỗi hoạt động liên quan đến nguồn tài nguyên này, nhất là việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, nhưng không phải lúc nào cũng đạt được.
Một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vướng mắc, thậm chí xung đột giữa cơ quan quản lý và người sử dụng đất trong quá trình giải phóng mặt bằng là nhiều quy định chưa phù hợp thực tiễn, khó thực hiện. Thực tế này đã được nêu trong nhiều cuộc họp góp ý sửa đổi các quyết định của UBND tỉnh về thực hiện phương án giải phóng mặt bằng.
Tại các cuộc họp này, nhiều địa phương cho rằng cần bổ sung, sửa đổi các quy định để tránh gây thiệt thòi cho người sử dụng đất, nhưng theo giải thích của cơ quan chuyên môn, không thể sửa đổi những quy định này bởi quyết định của UBND tỉnh phải phù hợp với Luật Đất đai.
Thực tế, có những quy định thông thoáng, tạo thêm quyền lợi cho người có đất bị thu hồi, nhưng đã bị cơ quan chức năng tuýt còi vì không đúng các quy định hướng dẫn của Luật Đất đai. Vì vậy, những phản ánh này, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các địa phương có thể góp ý trong quá trình xây dựng Luât Đất đai sửa đổi.
Nhu cầu xây dựng một bộ luật đất đai sửa đổi sát thực tiễn, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và phát huy hiệu quả trong quá trình quản lý nhà nước trở nên bức thiết và là vấn đề được xã hội quan tâm.
Theo nhận định của Tạp chí điện tử Luật sư Việt Nam, Luật Đất đai năm 2013 trong thời gian qua đã được yêu cầu sửa đổi rất nhiều lần bởi nhiều đối tượng, từ người sử dụng đất cho đến doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
Thậm chí, các cơ quan quản lý nhà nước cũng phản ánh về mâu thuẫn giữa các quy định của Luật Đất đai năm 2013 với các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu...
Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội xem xét thông qua trong tháng 10/2023. Để ghi nhận ý kiến rộng rãi và hiệu quả, cuối năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Chủ trương này nhận được sự quan tâm đặc biệt, bởi ở nước ta, ngoài Hiến pháp, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, chỉ có Luật Đất đai được tổ chức lấy ý kiến Nhân dân với một kế hoạch riêng.
Trên địa bàn tỉnh, ngay từ thời gian đầu xây dựng dự án luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã triển khai kế hoạch tổ chức lấy ý kiến góp ý của các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, thành viên các hội đồng tư vấn của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và ban thường trực Mặt trận các huyện, thị xã, thành phố và đã ghi nhận nhiều ý kiến góp ý tâm huyết.
Qua nhiều kênh ghi nhận khác nhau, UBND tỉnh cũng đã tổng hợp ý kiến, có công văn gửi Bộ TN-MT góp ý về dự thảo bộ luật này. Những diễn đàn Nhân dân góp ý dự án Luật Đất đai sửa đổi đang ghi nhận thêm nhiều ý kiến xác đáng, với không khí ngày càng sôi động hơn.