Chờ ngày bầu trời quang đãng

PHAN HOÀNG 30/01/2023 06:28

Sau kỳ nghỉ tết dài để nạp năng lượng, tái tạo sức lao động, bây giờ là lúc trở lại guồng quay công việc, mưu sinh.

Người người lại rời quê, trở lại các thành phố để làm việc. Chuyện đi lại thời điểm này luôn trở nên căng thẳng. Từ mùng 6 đến mùng 8 tết, trên các group, hội nhóm, than thở nhiều nhất vẫn là chuyện chen nhau ở các nhà ga trong cảnh chờ đợi vật vã.

Lướt nhanh các báo, nổi nhất là thông tin ở sân bay Tân Sơn Nhất.

Theo bản tin của báo Tuổi Trẻ: cao điểm phục vụ Tết Quý Mão diễn ra trong 1 tháng (từ ngày 6/1 đến 5/2, sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến đón hơn 3,8 triệu lượt hành khách với gần 27 nghìn lượt chuyến bay, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2019 khi dịch chưa bùng phát. Trên thực tế sân bay Tân Sơn Nhất liên tiếp vượt đỉnh về lượng khách sớm hơn dự kiến. Luôn trong tình trạng quá tải và lo vỡ trận hạ tầng.

Nhiều năm đi lại giữa Úc và Việt Nam, em tôi đã ngán ngẩm cảnh chờ đợi để được lấy hành lý cũng như làm thủ tục thông quan ở sân bay Tân Sơn Nhất. Vậy nên năm nay khi về tết, em chọn quá cảnh ở Thái Lan, trước khi bay về Đà Nẵng (chứ không bay thẳng từ Sydney về TP.Hồ Chí Minh rồi bay về Đà Nẵng như mọi khi).

Chi phí thấp hơn một chút, không phải chờ đợi và mệt mỏi với đủ thứ phát sinh khi hạ cánh ở Tân Sơn Nhất. Và thêm nữa, sân bay ở Bangkok chuyên nghiệp trong mọi khâu và rất sạch sẽ.

Sẽ nhiều người chọn cách như em tôi, khi việc đi - đến sân bay Tân Sơn Nhất phập phồng rơi vào rắc rối. Tất nhiên, kéo theo lựa chọn ấy, nguồn thu cho hàng không trong nước sẽ mất đi.

Sực nhớ rằng, Quảng Nam cũng có một sân bay. Đến 2023 đã là năm thứ 18 - tính từ thời điểm chuyến bay thương mại đầu tiên cất cánh trên bầu trời xứ Quảng. Đáng tiếc là, sau chừng ấy năm có tên trên bản đồ hàng không dân dụng, sân bay Chu Lai vẫn chưa có gì đột phá.

Theo quy hoạch, Chu Lai là sân bay quốc tế cấp 4E và sân bay quân sự cấp I vào năm 2030 với công suất 5 triệu lượt khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Năm 2050 sẽ thành cấp 4F, công suất 40 triệu lượt khách/năm.

Đi theo quy hoạch này là điệp khúc hy vọng nhen lên rồi lại chùng xuống. Bởi dù nhiều nhà đầu tư quan tâm đến sân bay Chu Lai, nhưng vướng các quy định pháp lý nên chưa thể thực hiện việc xã hội hóa đầu tư phát triển sân bay này.

Cuối năm 2022, Thủ tướng Chính phủ kết luận một số quyết sách quan trọng, chỉ đạo các ban, bộ, ngành Trung ương quan tâm, hỗ trợ cơ chế, chính sách và các kiến nghị để giúp Quảng Nam thu hút nguồn lực đầu tư, tháo gỡ khó khăn.

Đối với xây dựng đề án xã hội hóa đầu tư, khai thác Cảng hàng không Chu Lai gắn với Khu phi thuế quan Tam Quang, tỉnh đã rà soát, đánh giá sơ bộ về thực trạng sân bay Chu Lai và đang đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Tổ công tác nghiên cứu đề án theo đề nghị của Bộ GTVT.

Trả lời phỏng vấn đầu năm Quý Mão với Báo Quảng Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã cho biết cụ thể hơn, là Bộ GTVT đã chọn đề án phát triển sân bay Chu Lai thành đề án mẫu để cho các địa phương khác căn cứ xây dựng lộ trình xã hội hóa đầu tư sân bay. Và Quảng Nam sẽ đầu tư phát triển phía đông sân bay Chu Lai trước và khu vực hiện trạng sẽ đầu tư sau.

Nghĩa là, lại có những tín hiệu sáng sủa hơn, để luôn nuôi hy vọng và chờ đợi.

Nếu được đầu tư phát triển tương xứng với vị trí, tiềm năng và với đúng quy hoạch thì có thể đến một ngày, trong 5 triệu lượt hành khách đó, những công dân xa xứ như em tôi, sẽ không chọn Thái Lan hoặc Singapore để quá cảnh, mà bay thẳng về Chu Lai? Đó là giấc mơ bé mọn bên cạnh giấc mơ rất lớn, về bầu trời xứ Quảng quang đãng hơn hôm nay.

PHAN HOÀNG