Vì dân mà phản biện

PHAN HOÀNG 14/11/2022 08:12

Cuối tuần qua, khắp nơi ở các cụm dân cư trong tỉnh rộn ràng tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc. Các hoạt động thể thao, trò chơi cộng đồng, tiệc trà tiệc rượu được bày biện với sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân, đem lại vui vẻ tình thân và cố kết cộng đồng. Trong tuần này, cũng sẽ kết thúc tháng cao điểm vì người nghèo (17/10 - 18/11/2022). Đây là những hoạt động nhân Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam 18/11.

Có thể nói, đó là hai điểm trội dễ nhìn thấy nhất của hệ thống mặt trận các cấp. Nhiều người hay nói vui - mặt trận là trận nào cũng có mặt. Tếu táo mà đúng. Vì trong nguyên tắc tổ chức, hoạt động và cơ cấu tổ chức của MTTQ Việt Nam, vai trò của mặt trận rất lớn, tham gia hầu hết công việc của hệ thống chính trị và là đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

Những gì đã làm tốt, thì có lẽ nên rút bớt và để xã hội dân sự tự điều chỉnh. Điều quan trọng hơn, cấp thiết và lâu dài hơn, là tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận các cấp.

Tại Quảng Nam, hằng năm Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trong tỉnh chủ trì thực hiện hàng trăm cuộc giám sát chuyên đề, hàng chục hội nghị phản biện xã hội, rất nhiều dự thảo văn bản, đề án, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội được góp ý. Cùng với đó phối hợp tổ chức nhiều diễn đàn nhân dân, hội nghị đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo cấp ủy và chính quyền với nhân dân.

Qua các hoạt động này, Mặt trận phát hiện nhiều vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của chính quyền các cấp, cũng như các dự thảo chủ trương, chính sách, chương trình, đề án chưa phù hợp. So chiếu Chương trình hành động và Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2019 - 2024 thì nội dung này nằm trong số ít vượt chỉ tiêu.

Con số là vậy. Nhưng chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội đã đáp ứng yêu cầu, đã phát huy vai trò; sự tham gia của các thành viên Mặt trận và nhân dân đến đâu, thì vẫn chưa thấy thống kê, phân tích nào. Bởi mức độ ảnh hưởng của giám sát, phản biện đến đâu trong đời sống xã hội chính là một trong những thước đo cho hiệu quả và chất lượng của hoạt động này.

Giám sát, phản biện chỉ tốt khi được thực hiện trên cơ sở bảo đảm khách quan, khoa học, có sức thuyết phục, đề cập các vấn đề mà cộng đồng xã hội đang quan tâm.

Đồng thời phải lắng nghe dân thì mới hiểu được dân cần gì để mà xem xét, lập luận, phân tích, từ đó lựa chọn hoặc đề xuất phương án thay đổi một cách chính xác và hợp lý nhất, vì quyền lợi của dân, hướng tới lợi ích chung của cộng đồng xã hội.

Trong nhiều lần trò chuyện với bà Phạm Thị Minh Chiến - nguyên Chủ tịch MTTQ Việt Nam tỉnh về cơ chế giám sát, phản biện xã hội của mặt trận trong tình hình mới, bà đều nhấn mạnh những điều đó.

Phương pháp có thể thay đổi, vì cách làm ngày xưa sẽ không còn phù hợp với hôm nay. Nhưng có lẽ, chuyện phải xuống với dân, ở với dân, lắng nghe dân luôn cần thiết.

Nếu không làm như vậy, tương tác với dân cũng trở thành ảo như không gian ảo của thế giới phẳng, tưởng là biết hết nhưng lại không rõ gì. Cách đây gần 20 năm, những nơi sát biên giới, đi cả ngày mới đến nhưng bà Chiến không chỉ đi một lần mà trở đi trở lại nhiều lần.

Những thôn ở đồng bằng, người dân cũng gặp bà rất nhiều lần trong những cuộc đi về. Nhờ đó mà các ý kiến, kiến nghị giám sát, phản biện xã hội rất sâu và sát, tính thuyết phục cao; việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị sau giám sát cũng quyết liệt, đi đến cùng vụ việc, vấn đề.

Và phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, dù sau này mới có, nhưng thời điểm 15 - 20 năm trước, đã được mặt trận các cấp góp phần thực hành khá tốt.

Vì dân mà giám sát, phản biện. Đó là bài học lâu dài và kim chỉ nam cho không chỉ của những người làm công tác mặt trận vậy.

PHAN HOÀNG