Chờ nước đến chân...

TRƯỜNG ĐỒNG 31/10/2022 06:48

Mấy hôm rày đâu đâu cũng nghe người dân bàn chuyện dịch bệnh sốt xuất huyết đang bùng phát, với tâm trạng lo âu thấp thỏm. Theo số liệu của Cổng thông tin Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước đã có gần 26.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết.

Phun thuốc khử trùng, diệt muỗi ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát.
Phun thuốc khử trùng, diệt muỗi ngăn chặn sốt xuất huyết bùng phát.

Ở khu vực phía Nam, tính đến chiều 27/10 đã có 135 người tử vong vì sốt xuất huyết (SXH), trong đó có 56 trẻ em. Tại Quảng Nam, đến hết tháng 10 đã ghi nhận hơn 12 nghìn ca mắc SXH, cao nhất khu vực miền Trung. Dù chỉ mới ghi nhận 1 ca tử vong do SXH nhưng không có nghĩa Quảng Nam ít nguy cơ xuất hiện thêm các trường hợp tử vong, khi diễn biến dịch đang tiếp tục phức tạp.

Ngành chức năng cho biết, năm nay đúng vào chu kỳ dịch SXH bùng phát mạnh, đỉnh dịch rơi vào cuối tháng 10 - đầu tháng 11. Đành lòng là năm nay rơi vào chu kỳ bệnh SXH tăng cao, nhưng rõ ràng đã là chu kỳ thì “đến hẹn lại lên”, biết trước như thế cớ sao không chủ động mọi thứ để phòng chống, khống chế, hoặc giả cũng đủ khả năng ứng phó trong thời điểm dịch bệnh bùng phát và lây lan mạnh như hiện nay?!

Tại huyện Thăng Bình, từ đầu tháng 6 địa phương đã công bố thông tin trong 5 tháng ghi nhận 141 ca mắc SXH (cao nhất tỉnh), bằng gần gấp 4 lần cả năm 2021 (37 ca). Đối với tỉnh, toàn địa bàn, tính đến đầu tháng 7 ghi nhận 2.499 ca mắc SXH và SXH Dengue tại 17/18 huyện, thị xã, thành phố.

Ở cùng thời điểm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam nhìn nhận, số ca SXH trong tháng 6/2022 tăng đột biến, gấp 4 lần so với tháng 5 và cùng kỳ năm 2019 (cũng là năm chu kỳ dịch SXH bùng phát); so với cùng kỳ năm 2021 tăng hơn 10,5 lần. Chỉ các dấu hiệu từ số liệu cũng đủ cảnh báo ngành chức năng của tỉnh và các địa phương phải lưu tâm chuẩn bị các điều kiện để ứng phó khi dịch vào giai đoạn đỉnh điểm.

Bây giờ có nói gì thì dịch bệnh SXH cũng đã bùng phát và lây lan mạnh, vấn đề là phản ứng của các địa phương, đơn vị, ngành chức năng liên quan lại quá chậm; dẫn đến cơ sở y tế công - tư đều quá tải do tiếp nhận ca mắc SXH ngày mỗi tăng. Dịch bùng phát đã lâu nhưng đến cuối tuần qua mới vài địa phương có động thái chống dịch.

Ông bà ta có câu thật hay, thật đúng và thật trúng trong trường hợp này “Nước đến chân mới nhảy”. Mà đợt dịch SXH này có phải như lũ ống, lũ quét gì kéo đến bất ngờ để trở tay không kịp; ngược lại được dự báo theo chu kỳ bùng dịch nên có thời gian khá dài để chuẩn bị, lên kế hoạch ứng phó. Chứ đâu như hiện nay, dịch bùng phát khắp nơi mới cấp tập đi kiểm tra, triệu tập họp khẩn bàn biện pháp ứng phó.

Người dân ở nhiều nơi thắc mắc “Sao dịch SXH bùng phát đã lâu mà không thấy lực lượng chức năng đi phun hóa chất phòng chống, dập dịch như trước đây”. Còn ngành chức năng cho rằng không ít người dân chủ quan với SXH, không tự ý thức diệt lăng quăng, bọ gậy, để nhiều vật dụng có nước tù, nước đọng tạo nơi cho muỗi gây bệnh sinh sôi.

Liên quan đến công tác phun thuốc chống dịch, ngành chức năng lý giải thiếu hóa chất, do năm 2022 vướng mắc trong khâu đấu thầu thuốc, vật tư y tế - vẫn nguyên nhân cũ. Trong khi đó, CDC Quảng Nam cho biết, nếu các địa phương xuất ngân sách mua hóa chất dưới mức 50 triệu đồng thì không phải thông qua đấu thầu. Tuy nhiên sự linh hoạt này ít được vận dụng.

Nên, để ứng phó với dịch bệnh SXH đợt này, người dân cần phải nâng cao ý thức bảo vệ mình và cộng đồng, không nên chỉ trông chờ cơ quan chức năng; bởi cơ quan chức năng còn đang chờ thuốc, hóa chất; mà thuốc, hóa chất phải chờ đấu thầu; muốn đấu thầu thì phải chờ sang năm 2023; còn chờ các địa phương linh hoạt, phải chờ chắc lâu...

TRƯỜNG ĐỒNG