Giữ bến sông quê
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đang tổ chức lấy ý kiến cộng đồng dân cư ở nhiều địa phương đối với Dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam. Cốt lõi của dự án này là công trình nạo vét sông Trường Giang - con sông đang trong cảnh lở bồi dâu bể, chờ ngày khai thông.
Nhiều người có miền quê ven sông Trường Giang như tôi khi hay tin con sông quê mình sẽ được “giải phóng” thì không khỏi rạo rực. Bởi, Trường Giang có lẽ là dòng sông chịu nhiều tác động nhất của con người trong hệ thống sông trên địa bàn tỉnh, thậm chí con người đã từng đắp đê chia cắt đôi dòng và tạo ra những lưu thủy khúc.
Hôm rồi về quê, tôi còn ngạc nhiên vì con đường xuống bến sông trước nhà đã bị một hộ dân lấn chiếm, bến sông đã được xây công trình ao tôm. Tại bến sông này, ký ức của tôi vẫn còn lưu giữ những ngày thơ ấu vui vẻ, cùng lũ bạn tắm sông, chơi đùa.
Đây cũng từng là địa điểm neo đậu tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản, cũng là nơi phương tiện vận tải thường xuyên ghé vào “ăn hàng” trên tuyến giao thông đường thủy Trường Giang nhộn nhịp.
Mắm, muối, tôm cá của vùng quê ven sông cận biển này, từ đây đi ra khắp ngả; rồi vật liệu xây dựng, ngư lưới cụ, hàng hóa thiết yếu từ khắp nơi cũng từng vận chuyển về đây giao thương phục vụ dân chài...
Con người, theo thời gian, đã “che lấp” cả một bến sông mà không gặp cản ngại nào bởi bến sông này thực tế đã không còn được gắn với hệ thống giao thông như trước; người dân không phản ứng gì bởi ngại mất tình hàng xóm, còn chính quyền địa phương thì dường như vẫn chưa biết bến sông đã từng tồn tại nơi này.
Trường Giang đã bị “lãng quên” theo năm tháng cũng bởi con người chủ yếu khai thác dòng sông theo cách thực dụng nhất, nhanh nhất có thể, như một dạng tài nguyên thô phục vụ nhu cầu trước mắt. Dọc dài Trường Giang bây giờ là ngổn ngang công trình ao nuôi, kè chắn, chòi, rớ... khiến dòng sông phải gồng gánh uể oải.
Trong lần lấy ý kiến cộng đồng ven sông Trường Giang mới đây, nhiều người dân bày tỏ phấn khởi vì dự án sắp được triển khai và nhiều ý kiến cũng tập trung đề nghị cần giải quyết hiện trạng một cách hiệu quả. Bài toán này thật không đơn giản. Hiện trạng của Trường Giang vốn đã lu lấp theo thời gian, với nguồn sinh kế nông nghiệp ven sông bị cuốn theo dòng chảy ăn xổi ở thì, nên dự báo công tác giải phóng mặt bằng rất khó suôn sẻ.
Công trình nạo vét sông Trường Giang có chiều dài 60km từ ngã ba An Lạc (Cửa Đại) đến Cửa Lở (vịnh An Hòa) với chiều rộng luồng 30m, sâu 2,3m. Khơi thông dòng Trường Giang không chỉ là nối lại tuyến đường thủy với nhiều tiềm năng phát triển mà còn góp phần tiêu táng nguồn nước ứ đọng từ quá trình phát triển đô thị và có thể giải quyết được tình trạng ngập lụt đang trở thành nỗi lo lắng cho người dân.
Trong nhiều chuyến khảo sát, lãnh đạo tỉnh cho rằng hiện trạng Trường Giang quá phức tạp, nhất là tình trạng lấn chiếm lòng sông; khi triển khai dự án, cần giữ gìn những giá trị nguyên thủy về văn hóa, cảnh quan tự nhiên, tác động ít nhất có thể vào không gian tự nhiên của dòng sông.
Bởi, Trường Giang đã từng mang trong mình những giá trị thuộc về lịch sử mở cõi; là miền ký ức của con người, làng mạc ven sông. Nhớ lần chúng tôi ngồi với cố nhạc sĩ Vũ Đức Sao Biển ở một bến sông, ông hơn một lần bày tỏ nuối tiếc về phận đời nổi nênh của Trường Giang và kể về miền ký ức của mình với con sông quê hương.
Vì vậy, trong bài “Hoài niệm Trường Giang” của ông, cảm xúc rộng dài về đời sông đã khiến người nghe da diết trong những ca từ: “một dòng nước trong, đôi bờ thương nhớ, ai người bên nớ, có nhớ bên ni thì ngược Trường Giang lên Tam Kỳ”...
Và một điều nữa, Trường Giang khi được khai thông, cần giữ gìn và tôn tạo những bến sông xưa, vì đó là nơi có thể bắt đầu những cung đường thủy bộ, bờ bãi, hạ tầng ven sông... Hay có thể ví đó là lối “giao tiếp” của con người với đời sông!