Điểm nghẽn giải phóng mặt bằng

HÀ QUANG 08/08/2022 07:37

Giải phóng mặt bằng được xem là yếu tố tiên quyết để dự án thực hiện đúng tiến độ. Thời gian qua, không ít dự án trên địa bàn tỉnh trì trệ do ách tắc mặt bằng, kéo theo rất nhiều hệ lụy như chi phí dự án tăng thêm, giải ngân không đạt kế hoạch, công tác quản lý hiện trạng thêm phức tạp...

Trong thông báo kết luận mới đây của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang tại cuộc họp về tình hình thực hiện Dự án nạo vét luồng vào cảng Kỳ Hà (giai đoạn 2), đã nhắc lại các biện pháp kiên quyết về việc giải tỏa hàng chục miệng rớ nằm trong luồng tuyến.

Đây là dự án trọng điểm, công tác giải phóng mặt bằng được tập trung thực hiện nhưng đến nay qua hàng chục năm vẫn giải quyết “chưa trôi” nhiều công trình khai thác thủy sản.

Hàng chục miệng rớ đến nay vẫn tồn tại dai dẳng trên luồng cảng Kỳ Hà một phần cũng do sự lỏng lẻo, “lơ” trách nhiệm của các bên liên quan trong công tác quản lý hiện trạng.

Tình trạng tái lấn chiếm mặt bằng, khiếu nại khiếu kiện kéo dài, cản trở thi công... đã “minh họa” rõ nét về những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, khi những “nguyên nhân chủ quan” chậm được khắc phục.

Dự kiến hôm nay 8.8, UBND tỉnh sẽ tổ chức cuộc họp nghe các ngành và một số địa phương báo cáo tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và giải quyết các tồn tại, vướng mắc liên quan.

Trong đó, những vướng mắc phát sinh khi thực hiện Quyết định số 42 ngày 21.12.2021 của UBND tỉnh ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh được xem là “điểm nghẽn” mà các địa phương đang mắc phải khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng.

Đây cũng là vấn đề làm “nóng” buổi chất vấn tại kỳ họp HĐND TP.Tam Kỳ vừa qua khi ông Nguyễn Ngọc Trai - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố cho rằng Quyết định 42 của UBND tỉnh ra đời có nhiều bất cập khiến công tác giải phóng mặt bằng gặp vướng mắc và giải ngân chậm.

Cụ thể là đơn giá bồi thường đất vườn thấp so với trước đây, có trường hợp từ 16 tỷ đồng bồi thường theo phương án trước đó giảm xuống còn 1,3 tỷ đồng theo phương án mới.

Theo ông Trai, Quyết định số 42 của UBND tỉnh đã “bỏ qua” nhiều khoản hỗ trợ so với quy định cũ trong việc tính đơn giá bồi thường khi thu hồi đất vườn, đất trồng cây lâu năm, tạo ra sự chênh lệch rất lớn về đơn giá bồi thường giữa chính sách cũ và chính sách mới.

Điều này đã gây khó khăn trong việc giải tỏa mặt bằng đối với các dự án chuyển tiếp, nhất là hiện nay UBND TP.Tam Kỳ đang triển khai công tác bồi thường rất nhiều dự án có đất vườn, đất trồng cây lâu năm. Sự chênh lêch về đơn giá qua cách tính mới sẽ khó triển khai công tác bồi thường.

Một báo cáo của UBND TP.Tam Kỳ góp ý về Quyết định 42, còn dẫn ra các quy định ở nhiều địa phương lân cận như Quảng Ngãi, TP.Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, cho thấy điều kiện bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất vườn, đất trồng cây lâu năm của các địa phương này đều thông thoáng hơn Quảng Nam. Thậm chí, với cả quy định về bố trí đất định cư, theo Quyết định 42 cũng bị “than thở” rằng rất khó thực hiện với nhiều tình huống cụ thể...

Ách tắc trong công tác giải phóng mặt bằng được nhìn nhận là có rất nhiều nguyên nhân, từ quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đến việc quản lý hiện trạng, kể cả quy định pháp luật, cơ chế hỗ trợ, phương án giải tỏa... Trong đó, quy định cơ chế bồi thường, hỗ trợ được xem là yếu tố tiên quyết, bởi sẽ đụng chạm trực tiếp đến lợi ích của người bị ảnh hưởng dự án.

Thực tế, không ít quy định chưa hợp lý đã đẩy đội ngũ làm công tác giải phóng mặt bằng đối diện với nhiều thử thách, nhất là việc giải quyết quyền lợi của người bị ảnh hưởng một cách hợp tình hợp lý. Vì vậy, việc “cập nhật”, điều chỉnh các quy định phải được ghi nhận, nghiên cứu, thực hiện thường xuyên để công tác giải phóng mặt bằng trôi chảy hơn.

HÀ QUANG