Điểm nghẽn cải cách

LÊ VĂN 18/07/2022 07:41

Một đồng hương là chủ doanh nghiệp khá lớn ở một tỉnh phía Nam kể với tôi câu chuyện thật như đùa: Cách đây vài năm, nhân một chuyến công tác trong Nam, một lãnh đạo tỉnh có dịp đến thăm cơ sở sản xuất của anh, rồi gợi ý anh nên về quê đầu tư. 

“Ban đầu, mọi chuyện khá thuận lợi. Lãnh đạo tỉnh và huyện đều nhiệt tình ủng hộ. Lần đầu về địa phương tìm chỗ phát triển dự án, có lãnh đạo huyện đi cùng, tôi ngắm được một khu vực khá phù hợp, phần lớn là đất công, một phần diện tích người dân thuê trồng keo, còn lại là những vạt đồi lúp xúp cây bụi.

Mấy tháng sau, khi đã quyết định đầu tư, tôi trở lại để khảo sát kỹ hơn. Lần này, tôi đi một mình. Đến trụ ở UBND xã, gặp vị chủ tịch ủy ban, bị dội ngay gáo nước lạnh: “Ông xuống đó coi chừng, lơ mơ là ăn đòn đấy”. “Sao vậy? Tôi làm gì mà bị ăn đòn?”. “Biết đâu được, ông đi vào rừng keo, lỡ làm gãy vài ba cành, người ta nói ông phá rừng của họ…”. Sau lần đó, tôi tiếp tục gặp rắc rối khi tiếp xúc làm việc với một số cán bộ, chuyên viên các sở ngành. Nản quá, tôi bỏ luôn”.

Chủ một doanh nghiệp khác làm ăn lâu năm ở một huyện miền núi mới đây than phiền với tôi: “Hàng chục năm nay, chưa cơ quan chức năng nào kết luận cơ sở của tôi gây ô nhiễm môi trường. Chính quyền huyện, xã và người dân cũng chưa hề phàn nàn. Vậy mà năm nào tôi cũng đón bốn năm đoàn thanh tra, kiểm tra. Cứ vài tháng một đoàn, cũng chỉ một nội dung là thanh tra môi trường. Mình làm ăn đàng hoàng, chấp hành đúng pháp luật, chẳng sợ gì. Nhưng, vậy cũng mệt mỏi…”.

Tôi đem những chuyện trên kể với ông Phạm Quốc Hùng - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, ông Hùng nói ngay: “Họ nói đúng đó anh. Các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn lắm…”. “Bao nhiêu diễn đàn đã mở ở ra ở các cấp. Hằng tháng, tỉnh cũng đối thoại với doanh nghiệp. Sao không kêu?”- tôi vặn lại. “Chuyện tế nhị mà anh!” - ông Hùng tâm tư.

Câu chuyện về cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh chưa khi nào không là mối quan tâm của lãnh đạo tỉnh. Không thiếu những sáng kiến cải cách, trong đó có những cải cách được xem là đột phá, mà gần đây nhất là lập bản đồ thể chế.

Không thiếu những hội nghị, hội thảo luận bàn ở các cấp về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư; rồi những cuộc giám sát, đôn đốc... Nhưng xem ra, những nỗ lực chuyển đổi chính quyền các cấp từ quản lý sang chính quyền thật sự đồng hành, phục vụ người dân và doanh nghiệp, vẫn còn khá mơ hồ trong tư duy và hành động của không ít cán bộ, công chức, viên chức.

Vẫn còn vô vàn khó khăn, rắc rối cản trở đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp, bằng nhiều cách vẫn “lọt lưới” kiểm soát của các cơ chế hiện hành mà lãnh đạo tỉnh đang chỉ đạo thực hiện.

Bằng chứng là mỗi dịp công bố các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính, chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công,… là những câu chuyện về chính quyền phục vụ lại xôn xao ở nhiều diễn đàn.

Năm 2022 này, càng “nóng” hơn, khi chỉ số PCI (năng lực cạnh tranh cấp tỉnh) của năm 2021 tụt đến 6 bậc so với năm 2020 và xếp vị thứ 19/63 tỉnh thành trong cả nước; còn chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh năm 2021 giảm đến 14 bậc so với năm 2020 và xếp thứ 35/62 tỉnh thành (Trong khi Nghị quyết số 16-NQ/TU, ngày 14.10.2021 của Tỉnh ủy về đầy mạnh cải cách hành chính giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu đến năm 2025, hai chỉ số nêu trên lần lượt ở nhóm 6 và nhóm 20 tỉnh thành đứng đầu cả nước). 

Tại hội nghị Tỉnh ủy đầu tháng 7 vừa qua, vấn đề đã được xới lên. Và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng nói, sẽ tiếp tục “làm kỹ hơn” trong kỳ họp HĐND tỉnh giữa năm (khai mạc sáng nay 18.7) và dự kiến tới đây, Tỉnh ủy sẽ tổ chức một hội nghị chuyên đề để mổ xẻ toàn diện nguyên nhân, trên cơ sở đó, tiếp tục đề ra các giải pháp cụ thể.

Chuyên gia Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong nhiều lần đến Quảng Nam để công bố và thảo luận về PCI, nói Quảng Nam không thiếu sáng kiến, lãnh đạo tỉnh rất quyết liệt, quyết tâm, nhưng quan trọng hơn vẫn là năng lực thực thi sáng kiến.

“Sự khác biệt chính là ở năng lực thực thi. Làm sao để mọi doanh nghiệp lớn và nhỏ đều thấy rõ mức độ thực thi những sáng kiến một cách hiệu quả từ mọi cấp” - ông Tuấn nói; và có lẽ, đây chính là “điểm nghẽn” cần quan tâm nhất để tìm lời giải hiệu quả.

Bởi, chừng nào đội ngũ thực thi chính sách còn mang nặng tư tưởng ban ơn khi giải quyết công việc thuộc phạm vi chức trách, nhiệm vụ của chính mình, thì chừng đó, những rào cản sẽ không dễ dàng tháo gỡ.

Nhớ lại, năm ngoái, khi đại dịch Covid-19 vẫn còn khá phức tạp, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường từng dự báo, sau khi đại dịch được khống chế, sẽ có làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp đồng hương phía Nam về quê nhà; và yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải chuẩn bị mọi điều kiện thuận lợi nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh. Một số doanh nhân đồng hương, cũng khẳng định với tôi như vậy. Nhưng xem ra,…

LÊ VĂN