Tự cung tự cấp
Nếu nói kinh tế mà tự cung tự cấp là người ta hiểu ngay đến khía cạnh lạc hậu, hoặc tình trạng ách tắc về giao thương ở các vùng miền. Nhưng thử nhìn ở thực tế giá cả hàng hóa leo thang, phạm phát đang đà tăng cao, thì phương thức tự cung tự cấp một phần đôi khi là giải pháp hợp lý để giải quyết những khó khăn trước mắt.
Đơn cử, một dạo, phong trào tự cung tự cấp rau xanh lan tỏa ở nhiều gia đình đô thị. Người dân tự trồng rau củ trên những miếng đất nhỏ hoặc xô chậu tận dụng được, với mục đích ban đầu là để tránh sử dụng rau củ quả bẩn tràn lan trên thị trường, và có thể thêm một chút màu xanh trong không gian sống giữa đô thị ngày càng ngột ngạt.
Nhiều gia đình trồng rau còn tính toán rằng, có thể tiết kiệm được một khoản kha khá khi đi chợ búa, bởi rau củ là hàng hóa thường sử dụng, và có lúc giá cả đắt đỏ...
Tuy nhiên, sau một thời gian, phong trào trồng rau ở đô thị lắng xuống, có lẽ các yếu tố tiêu cực của phương thức tự cung tự cấp đã gây ảnh hưởng đến phong trào này, nhất là sự sôi động của thị trường đã đánh bật động lực của nhiều nông dân không chuyên ở đô thị. Nhưng không vì thế, phương thức tự cung tự cấp kiểu thô sơ như vậy không có ý nghĩa.
Tôi từng là một người trồng rau theo phong trào này, nên tự dưng tiêng tiếc khi một lần dạo chơi ở một huyện miền núi của tỉnh, nhìn nhiều mảnh vườn của người dân bị bỏ hoang.
Khí hậu ở đây mát mẻ, vườn tược rộng rãi, lại gần khe, suối nhưng nhiều gia đình lại trồng một vườn keo, hoặc bỏ hoang, trong khi phải mất rất nhiều công sức vào rừng hái rau, hoặc phải mua rau củ từ đồng bằng chở lên với giá đắt đỏ.
Tôi tự hỏi tại sao người dân ở dây không dành ra một khoảnh để trồng trọt rau củ, cây ăn quả, đào ao thả cá, có thể chăn nuôi gà vịt..., mỗi thứ một ít để tăng nguồn thu hoạch quanh vườn nhà; rồi có thể trao đổi những thành phẩm đó với hàng xóm.
Trả lời câu hỏi của tôi là sự ngỡ ngàng của nhiều người dân. Hình như cái ý muốn tự cung tự cấp một phần dường như đã không hình thành như một “điều kiện tự nhiên” của cộng đồng nơi đây; hoặc đã không được nhìn nhận như một lợi thế của một địa phương miền núi vốn không có nhiều lợi thế phát triển kinh tế.
Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi của tỉnh đang được khuyến khích phát triển kinh tế sản xuất hàng hóa từ tiềm năng của địa phương, trong đó sản phẩm nông nghiệp với nhiều loại cây, con bản địa là hướng đi sáng sủa.
Thế nhưng, các mô hình kinh tế hiệu quả theo hướng này vẫn còn là số ít, bởi không phải ở đâu yếu tố tự nhiên, con người cũng thuận lợi cho sản xuất hàng hóa. Nhưng sản xuất nhỏ lẻ với đa dạng loại cây con phù hợp với điều kiện từng gia đình thì có vẻ khả quan hơn.
Vì vậy, khuyến khích người dân tự cung tự cấp một phần để giải quyết những khó khăn trước mắt trong đời sống hằng ngày nên được quan tâm, triển khai quyết liệt bởi cái nghèo cái khó ở khu vực miền núi đang ở trước mắt, và diễn ra dai dẳng, không thể đổi thay ngay bằng những mô hình kinh tế hàng hóa điển hình được.
Điều quan trọng khi khuyến khích tự cung tự cấp một phần là sẽ giúp cộng đồng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn hình thành khả năng “tự vệ” trước xu hướng chạy theo thị trường, chạy theo thói quen sử dụng nhiều loại hàng hóa được sản xuất theo thị hiếu, không mấy thiết thực với người dân vùng khó khăn.
Xa hơn, cái tinh thần “tự vệ” trong những hoàn cảnh cụ thể khi được hình thành có thể giúp cộng đồng tự tin hơn về những giá trị văn hóa riêng có, hạn chế nguy cơ mai một bản sắc.
Bởi thực tế, việc gìn giữ bản sắc của một cộng đồng sẽ thêm thách thức khi người dân thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống, mà chính họ không có sẵn khả năng tự giải quyết nên dễ “phụ thuộc” hoặc “chạy theo” - đây là những yếu tố có khả năng dẫn đến sự mai một.