Thiếu thuốc vì sợ trách nhiệm

TRƯỜNG ĐỒNG 27/06/2022 09:34

Không nằm ngoài thực trạng chung toàn quốc, các cơ sở y tế tại Quảng Nam đang trong tình trạng khan hiếm vật tư cũng như một số danh mục thuốc (Báo Quảng Nam cũng đã có bài phản ánh).

Lý giải thực trạng này, Bộ Y tế đã chỉ ra một số nguyên nhân khiến các địa phương gần như rơi vào khủng hoảng thiếu cơ số thuốc và vật tư. Và điều đầu tiên được nhìn nhận là tâm lý sợ sai, sợ thanh tra, kiểm tra nên các đơn vị không dám đấu thầu mua sắm.

Bộ này cho rằng, họ đã cùng với UBND các tỉnh thành phân cấp, thẩm quyền mua sắm, các đơn vị được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Nhưng trước tình hình sai phạm của một số cá nhân trong ngành, khiến họ e ngại việc chủ động tổ chức đấu thầu, mua sắm.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp, nhà cung cấp e ngại cung ứng hàng hóa cho các đơn vị công, do giá chưa hợp lý, thủ tục đấu thầu và thanh toán phức tạp...

Theo nhiều chuyên gia, hiện Luật Đấu thầu đã có, nhưng thông tư, nghị định hướng dẫn đặc thù riêng cho ngành y tế chậm ban hành, hoặc văn bản hướng dẫn còn bất cập, khó hiểu và khó áp dụng. Điều này đã gây tâm lý e dè trong việc mua sắm vật tư tiêu hao.

Chưa kể, xảy ra tình trạng thiếu thuốc như hiện tại, phần lớn do quy trình đấu thầu thuốc chữa bệnh tập trung hiện nay rất phức tạp, phải tuân thủ gần 20 bước, liên quan nhiều cơ quan chức năng khác nhau, mỗi cơ quan chậm vài ba ngày, thậm chí một, hai tuần là dẫn đến kết quả đấu thầu chậm.

Ngoài ra, một cán bộ Sở Y tế cho rằng, quy định về loại hợp đồng trọn gói với các gói thầu thuốc hiện nay là chưa phù hợp. Bởi, ở loại hợp đồng trọn gói thì các cơ sở y tế phải thực hiện hết 100% khối lượng hợp đồng, trong khi ở công tác đấu thầu thuốc, hóa chất vật tư cho năm 2022 nói riêng và các năm trước nói chung, đây là những mặt hàng mang tính chất đặc thù, không thể xây dựng được chính xác số lượng sử dụng vì nhiều lý do, như mô hình bệnh tật, dịch vụ kỹ thuật mới, do đó có thể thừa hoặc thiếu.

Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ mới đây, khi bàn về tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, nguyên nhân chủ quan là chính, với việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; sự phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương thiếu chặt chẽ; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm...

Với mục tiêu “chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát tổng thể các cơ chế, chính sách, quy định liên quan mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; chủ động, tích cực xử lý những vướng mắc, nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo, trình cấp có thẩm quyền xem xét.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc “các địa phương, đơn vị liên quan thực hiện thông suốt, hiệu quả việc mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế”, cuối tuần qua UBND TP.Hồ Chí Minh đã phê duyệt đề án thành lập Trung tâm Mua sắm tập trung của ngành y tế và dự kiến triển khai trong tháng 7. Với mô hình này, chính quyền TP.Hồ Chí Minh kỳ vọng giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong mua sắm đấu thầu thuốc, vật tư y tế.

Ở Quảng Nam, người dân vẫn đang chờ động thái tích cực từ chính quyền và ngành chức năng, để không phải tiếp tục chịu thiệt thòi trong điều trị bệnh.

TRƯỜNG ĐỒNG