Neo ở bạn đọc
Ngày mai 21.6, là kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.
Những ngày này, chộn rộn với các giải thưởng báo chí. Tính đến cuối năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí (in và điện tử), 72 cơ quan có giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình. Cho nên ngày càng có nhiều cuộc thi báo chí với các giải thưởng của bộ, ngành, địa phương và đôi khi gây cảm giác… lạm phát giải thưởng.
Tuy nhiên, với nhiều nhà báo, khi chọn các giải thưởng uy tín và đã có thương hiệu để tham gia, thì mong muốn không ngoài giúp nâng tầm, định vị thương hiệu và uy tín cho tờ báo và cả người viết. Với những người coi trọng nghề nghiệp, điều quan trọng nhất, giải thưởng lớn nhất là bạn đứng ở đâu trong lòng bạn đọc, là neo ở bạn đọc.
Trong bối cảnh chạy đua thông tin như hiện nay, nổi lên sự dễ dãi và tùy tiện trong cách dùng chữ nghĩa của một số người viết báo khiến tiếng Việt xấu xí đi. Hay cách cắt xén nội dung, giật tít một nửa sự thật của vấn đề, sai lệch vấn đề do nhà báo không hiểu hoặc do muốn câu view, câu like.
Hoặc những lỗi sai trong cú pháp, ngữ pháp, diễn đạt; thậm chí nghiêm trọng hơn là sai thông tin, “nhét chữ” vào miệng người khác… Đáng buồn là những điều đó, ngày càng nhiều trên các báo, nhất là báo điện tử.
Làm công việc của tòa soạn, chúng tôi thường dặn mình, luôn cảnh giác và nhìn vào cái sai trên báo để tránh bởi không phải lúc nào cũng đủ tỉnh táo. Làm sao đừng để bạn đọc cạnh khóe: cũng giống như người đi chợ, anh phải là người tiêu dùng thông minh giữa rừng báo chí từ chính thống lẫn không chính thống.
Bạn tôi có lúc chua chát rằng, ngày xưa đọc báo để có hiểu biết, nay thì có hiểu biết mới nên đọc báo. Chúng tôi biết rằng, làm báo, phải nghiêm cẩn, bền bỉ và chuyên nghiệp để không tự đẩy mình vào thế đứng xa hơi thở đời sống của người dân. Mới biết, làm nhịp cầu không bao giờ là dễ dàng.
Trong hai năm dịch bệnh Covid-19 hoành hành, thi thoảng tôi truy cập vào công cụ xếp hạng lưu lượng truy cập Alexa.com để biết tờ báo mình đang đứng ở vị trí nào. Có hôm nhận được ảnh chụp màn hình hiển thị trang Alexa.com từ đồng nghiệp ở Thanh Hóa kèm lời nhắn “Báo Quảng Nam đang có chỉ số tăng rất nhanh”.
Như một reo vui chia sẻ. “Những quan tâm địa phương” trong cơn đại dịch là tất cả điều gì thuộc về từng ngóc ngách của cộng đồng nhỏ mà báo địa phương mới thỏa mãn và đủ độ tin cậy. Điều đó khiến lượng truy cập tăng đột biến so với trước.
Theo Wikipedia, Alexa.com là công cụ phổ biến ở Việt Nam và thế giới để phân tích, đánh giá người xem trên các trang web toàn cầu. Số liệu thống kê của Alexa.com dựa trên 4 tiêu chí gồm: thời gian độc giả lưu lại trên trang, số trang được xem, số lượng tìm kiếm bằng từ khóa, tổng số trang dẫn đến website. Hơi tiếc nuối là từ ngày 1.5.2022, Alexa.com ngừng hoạt động sau hơn hai thập kỷ giúp người sử dụng tìm kiếm, tiếp cận và chuyển đổi đối tượng kỹ thuật số.
Với những công nghệ giúp hỗ trợ tìm thấy vị trí của một tờ báo, khi công cụ này không còn thì sẽ có hàng chục thay thế. Nhưng chỗ mà tờ báo neo vào lòng bạn đọc, thì không có công cụ nào có thể thay thế được, ngoài việc tử tế với bạn đọc và tử tế với nghề nghiệp.
Tôi nhớ, trong một trường hợp cụ thể, cần phản hồi bạn đọc về sai sót của báo, tổng biên tập báo tôi nói rằng, những vấn đề bạn đọc phản ánh, khiếu nại liên quan đến bài trên báo mình, khi phản hồi cố gắng làm sao để vừa nghiêm túc, vừa chân thành nếu như mình có sai sót, dù đó là bài của cộng tác viên. Đó là cách tốt để nâng uy tín của báo và cũng là bảo vệ cho tác giả.
Bất cứ lúc nào, chỉ cần mở điện thoại thông minh là có thể ngập trong chợ tin, tốt xấu giả thật đủ cả. Cho nên, để định hướng và tạo niềm tin ở độc giả, rõ ràng không chỉ là cách nói nghe rổn rảng “phụng sự bạn đọc”. Neo ở bạn đọc thì hiểu biết hay tài giỏi thôi chưa đủ mà cần cả tấm lòng với tha nhân…