Kể chuyện... giá xăng dầu
Giá xăng tăng lâu nay nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy những cái giật mình, há hốc của người tiêu dùng tại cây xăng. Có lẽ nhiều người vẫn chưa quen được cảm giác kim đồng hồ xăng chỉ nhích nhẹ; hoặc phải móc túi với số tiền gấp đôi cho việc đổ xăng.
Xăng tăng, giá nhu yếu phẩm cũng rục rịch tăng. Hôm qua một bạn hàng cá của tôi than thở ế quá, mua cá mực vào với giá cao nên rất khó bán. Những khó khăn tương tự như vậy đang xảy ra với nhiều nhóm hàng, cho thấy dấu hiệu lạm phát gia tăng đã hiển hiện.
Hôm báo chí đưa tin Malaysia sẵn sàng nhập xăng hỗ trợ với giá chỉ khoảng 13 nghìn đồng/lít cho Việt Nam, tôi đọc được những xuýt xoa trên mạng xã hội. Nhiều người tiếc rẻ nói sao mình không được tiêu dùng loại xăng giá mềm mại như vậy.
Nhưng một nhà quản lý trả lời rằng, nếu có nhập về thì lượng xăng này cũng bị điều tiết chung với nguồn cung trong nước, không dành cho trường hợp nào cả, vì như vậy sẽ đảm bảo sự công bằng, ngăn chặn tình trạng trục lợi…
Sở dĩ giá xăng dầu ở Malaysia mềm mại, theo lý giải đây là nước sản xuất lớn, không áp các loại thuế phí đối với xăng dầu. Còn tại Việt Nam, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), trong cơ cấu giá xăng hiện nay các loại thuế, phí chiếm khoảng 30 - 32% (tương đương 10 - 11 nghìn đồng/lít). Như vậy nếu không có thuế phí thì giá xăng Việt Nam sẽ khoảng 20 nghìn đồng/lít.
Trong nhiều mối quan tâm xung quanh giá xăng dầu liên tục tăng, thú vị nhất là một Youtuber làm clip dẫn dắt người xem với câu hỏi so sánh 100 nghìn đồng thì ở nhiều quốc gia có thể đổ được bao nhiêu lít xăng. Giá xăng dầu ở nước ta qua kiểu so sánh sinh động trong clip này, có thể thấy cũng xem xem với nhiều nước phát triển như Mỹ, Hà Lan, Đức...
Một trường hợp “đột biến” bất ngờ là nếu ở Venezuela, với 100 nghìn đồng, có thể đổ được đến gần 150 lít xăng. Chưa hết, clip nói trên còn làm phép so sánh tương tự, tiền công một giờ làm việc tối thiểu ở nhiều quốc gia, có thể đổ được bao nhiêu lít xăng.
Việt Nam chưa chính thức áp dụng lương giờ tối thiểu nhưng theo đề xuất thì có thể chỉ đổ được khoảng nửa lít xăng; trong khi ở nhiều nước (như Mỹ) quy định lương một giờ tối thiểu (tùy theo khu vực) khoảng 12USD, thì có thể đổ được 10 lít.
Lương theo giờ tối thiểu đang được Bộ LĐ-TB&XH trình Chính phủ sau khi lấy ý kiến các bộ, ngành và một số hiệp hội, dự kiến áp dụng từ ngày 1.7, chia theo 4 vùng: vùng 1 là 22.500 đồng/giờ, vùng 2 (20.000 đồng), vùng 3 (17.500 đồng), vùng 4 (15.600 đồng).
Theo Bộ LĐ-TB&XH, việc áp dụng phương pháp quy đổi tương đương nêu trên phù hợp với điều kiện cụ thể ở nước ta khi lần đầu tiên quy định mức lương tối thiểu giờ, tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động.
Vì vậy, nếu so sánh gắn với “điều kiện cụ thể” rằng, một giờ làm việc người lao động có thể chỉ nhận được số tiền tương đương... 1 dĩa cơm bình dân là hơi khập khiễng. Chỉ có điều, nó có một khía cạnh hao hao với kiểu so sánh về sức mua tương đương, mức thu nhập của người lao động trong clip nói trên theo hệ quy chiếu giá xăng. Ví dụ, nếu người lao động chạy xe máy khoảng 20km, làm việc 1 giờ, nhận được 1 dĩa cơm bình dân thì nên... ở nhà cho khỏe.
Xăng tăng, vật giá tăng, quy định thu nhập tối thiểu “ổn định” như vậy để tránh tạo ra sự xáo trộn việc trả lương cho người lao động, mới nghe qua nhiều người có thể cấn lấn, nhưng thực tế này đã được các chuyên gia, cơ quan chuyên môn tính toán cặn kẽ ở tầm vĩ mô trong các giải pháp quản lý xã hội.
Phần ngọn của vấn đề là thực tế khó khăn của người tiêu dùng, người lao động cũng được tính toán bằng các giải pháp “thắt lưng buộc bụng” để ổn định đời sống, hạn chế lạm phát đang len lỏi và có nguy cơ bùng lên.
Xăng tăng, có thêm những chiếc máy “chạy bằng cơm” như nhiều người hóm hỉnh, âu cũng là một giải pháp!