Độ trễ chính sách
Hôm nay 23.5, khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Dự kiến, tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết và cho ý kiến đối với 6 dự án luật khác. Cùng với đó, Quốc hội cũng xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác.
Theo Văn phòng Quốc hội, một trong những hạn chế của 4 tháng đầu năm, là các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ theo Nghị quyết 43 của Quốc hội triển khai chậm, các chính sách quan trọng vẫn đang trong quá trình xây dựng hướng dẫn, chưa được áp dụng vào thực tiễn. Nhận diện này, hy vọng sẽ góp phần vào việc chuẩn bị nội dung kỳ họp được tốt hơn, không gây lãng phí nguồn lực xã hội.
Nhìn ở địa phương, cũng không tránh khỏi các hạn chế này. Mới đây, tại cuộc họp chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 8 - kỳ họp HĐND tỉnh thường lệ giữa năm, các hạn chế này đã được chỉ ra. Lớn nhất là một số tồn tại, hạn chế trong chuẩn bị nội dung trình và cả triển khai thực hiện nghị quyết sau khi thông qua vẫn chưa được khắc phục.
Theo báo cáo, trong số 19 nghị quyết được Kỳ họp thứ 7 ban hành, đến ngày 16.5 vẫn còn 7 nghị quyết chưa có văn bản triển khai thực hiện. Trong đó có 2 nghị quyết là quy định cơ chế khuyến khích bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2022 - 2025; quy định về chính sách đảm bảo an sinh xã hội có hiệu lực thi hành từ ngày 2.5.2022 nhưng lại chậm trễ trong ban hành văn bản thực hiện khiến chính sách chưa thể đi vào thực tiễn mặc dù đã có hiệu lực pháp luật.
Với cây sâm, đơn cử như cơ chế hỗ trợ với vùng di thực, theo nghị quyết mới ban hành, vùng di thực gồm các xã khác của huyện Nam Trà My và các huyện Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Bắc Trà My và Núi Thành đảm bảo các điều kiện tự nhiên, sau khi được phê duyệt phương án trồng di thực.
Tuần rồi, đã thấy huyện Núi Thành thông qua phương án thử nghiệm di thực sâm Ngọc Linh trồng dưới tán rừng tại khu vực Núi Chúa, xã Tam Trà. Văn bản thực hiện từ tỉnh chưa có, chắc chắn huyện sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong nguồn kinh phí.
Đây là một nội dung nhỏ chứ chưa nói đến những thủ tục rườm rà hơn, như cập nhật, hoàn chỉnh thủ tục điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đối với nguồn vốn dự kiến bố trí thực hiện Nghị quyết này.
Với những quy định về chính sách đảm bảo an sinh xã hội, khi quá chậm trễ trong ban hành văn bản thực hiện, liệu rằng một số đối tượng áp dụng thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết này (như người cao tuổi, người có công cách mạng) có chờ được đến lúc nhận hỗ trợ?
Đó chỉ mới ở “đoạn” ban hành văn bản thực hiện. Từ văn bản này, đến khi các địa phương, sở ngành triển khai thì còn một “đoạn dài” nữa.
Ví dụ như vậy để thấy rằng, với độ trễ này, rất khó để có một con số đánh giá thiệt hại; nhưng có điều chắc chắn rằng, hiệu quả quản trị và hành chính công cũng như sự hài lòng của người dân sẽ càng sụt giảm.
“Các cơ quan chuyên môn cần kịp thời, chặt chẽ hơn trong chuẩn bị nội dung; dự thảo văn bản triển khai nghị quyết song song với xây dựng đề án, dự thảo nghị quyết để sau khi HĐND ban hành nghị quyết thì cập nhật, ban hành ngay văn bản triển khai, tránh chậm trễ như hiện nay”.
Đây là những yêu cầu của Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường để khắc phục độ trễ chính sách. Tất nhiên, làm rất khó và đòi hỏi năng lực cũng như tâm huyết của không chỉ đội ngũ tham mưu. Ở cấp địa phương đã thế, ở tầm Trung ương, những quyết sách được đưa ra, độ trễ càng lớn thì dân càng khổ vậy.