Đất đai và mặt bằng

HÀ QUANG 16/05/2022 06:31

Cơn sốt đất đang hầm hập trở lại ở các địa phương vùng đông của tỉnh. Lần này thị trường bất động sản ở khu vực ven biển được đánh giá là “thực chất” hơn, bởi nhiều vụ giao dịch thành công bằng tiền tươi thóc thật; nhiều hộ dân đã sang nhượng đất đai, nắm trong tay tiền tỷ, đang tính toán chuyển đổi sinh kế và tìm mặt bằng cho nơi ở mới.

Tâm điểm cơn sốt đất là xã bãi ngang ven biển Tam Tiến (Núi Thành). Làng chài Tam Tiến yên ả bất ngờ chộn rộn với giá đất. Giá đất ở đây theo khảo sát trung bình khoảng 10 triệu đồng/m2, cá biệt có khu vực giá đất tới 20 triệu đồng/m2 - những con số quả thật trong mơ với người dân quê biển.

Một số xóm nhỏ sát bờ biển bắt đầu hoang vắng người ở vì nhà cửa đã được sang nhượng. Lãnh đạo địa phương xác nhận cơn sốt đất đang ập đến và cho rằng nguyên nhân chính là Tam Tiến đang được quy hoạch, triển khai nhiều dự án; nhất là hạ tầng giao thông đã được đầu tư thông suốt và tiếp tục hoàn thiện, nên thu hút người mua đất đến từ ngoại tỉnh.

Hạ tầng, dự án tiếp tục được đầu tư, đồng nghĩa công tác giải phóng mặt bằng phải tiếp tục song hành. Chủ trương của tỉnh hiện nay là không triển khai dự án ở những khu vực dân cư đông đúc, nhưng với những dự án dân sinh như cầu, đường, kè bảo vệ dân cư..., thì chuyện buộc phải di dời dân rất khó tránh khỏi.

Trong điều kiện dân cư ven biển đông đúc, quỹ đất hạn hẹp như Tam Tiến, đặc biệt, với giá đất đang cao ngất ngưởng, thì rất dễ hình dung sự gian nan của công tác giải phóng mặt bằng.

Chia sẻ về những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh, đại diện một doanh nghiệp chuyên thực hiện công tác này cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân, bất cập, nhưng mấu chốt vấn đề là khung giá đất theo quy định hiện nay luôn ở thế việt vị với thị trường.

Ông nói, thị trường bất động sản ở đây cũng có nhiều vấn đề, nhất là thị trường ảo thì khung giá đất không thể chạy theo, nhưng thị trường “thực chất” thì phải giải cho được bài toán tiệm cận.

Một lần theo chân đoàn cán bộ vận động giải phóng mặt bằng đến nhà dân, chúng tôi cũng chứng kiến sự lúng túng của địa phương và cơ quan chuyên môn trước câu hỏi của người sử dụng đất đặt ra là “anh thu hồi đất của tôi, bồi thường với giá như vậy nhưng tại sao khi bán lại giá cao gấp nhiều lần?”.

Mặc dù được giải thích là giá đất sau khi đã được đầu tư, đã có hạ tầng thì phải khác, nhưng người dân vẫn nói, “tôi hiểu, nhưng làm sao tôi có thể đồng thuận khi giá thị trường ở những thửa đất chưa đầu tư hạ tầng vẫn quá chênh lệch với giá quy định?”.

Giá đất, quả thật như hàn thử biểu của công tác giải phóng mặt bằng. Nơi nào thị trường đất đai còn nguội lạnh, thì công tác giải phóng mặt bằng có vẻ thong thả hơn, và ngược lại.

Một giải pháp hiện nay mà vị đại diện doanh nghiệp nêu trên cho rằng rất khả thi đối với những dự án kinh tế là doanh nghiệp đầu tư dự án có thể ứng tiền giải phóng mặt bằng rồi trừ vào tiền thuê đất của Nhà nước.

Điểm ưu việt đầu tiên có thể nhìn thấy từ phương án này là Nhà nước không phải dành quá nhiều nguồn lực, và qua đó cũng đánh giá một phần năng lực, tâm huyết của doanh nghiệp muốn đầu tư.

Điều đặc biệt, ngoài áp dụng những quy định hiện hành, để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, doanh nghiệp cũng có thể linh hoạt áp dụng những điều kiện khác nhằm tạo sự đồng thuận của người dân.

Còn đối với những dự án hạ tầng do Nhà nước đầu tư, cũng có thể xem xét nới lỏng các điều kiện hỗ trợ như tiêu chí bố trí lô phụ, để người dân dễ dàng thấy được lợi ích “bằng hoặc hơn” trước và sau khi giao đất.

Đó cũng là cách để giữ gìn nguồn lực đất đai cho dân, hài hòa với lợi ích của Nhà nước trong điều kiện cần phải có mặt bằng sạch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

HÀ QUANG