Đi cùng nhau và xa hơn nữa!
Những tính toán khớp nối không gian đô thị, hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo sự đồng bộ giữa Quảng Nam - Đà Nẵng đang được Quảng Nam đặt biệt chú ý trong quá trình thực hiện các quy hoạch chung khu vực vùng đông của tỉnh, trong đó có tuyến ven biển nối hai địa phương.
Ngược dòng lịch sử. Năm 1891, là thời điểm mà thuyền bè còn đi lại dễ dàng trên sông Cổ Cò nối liền giữa Đà Nẵng - Hội An. Khi sông Cổ Cò bị tắc nghẽn, nhiều đoạn theo quy luật thương hải tang điền. Người Pháp cai trị khi đó, đã không thể nạo vét sông. Sông chấm dứt vai trò lịch sử là tuyến đường hàng hóa quan trọng.
Năm 1905, tuyến đường sắt Đà Nẵng - Hội An Tramway de I’llôt de I’Observatoire à Faifo được đưa vào khai thác với 3 chuyến đi về mỗi ngày (theo Lịch sử Đà Nẵng 1306-1975). Nhưng rồi, vai trò lịch sử của tuyến đường cũng hết. Năm 1917 là thời điểm chấm dứt của tuyến đường sắt này.
Một trăm năm sau, nó được khơi lại. Lần này, không phục vụ vận tải hàng hóa mà là phục vụ du lịch. Tựu trung là hướng đến sự phát triển. Đọc các tư liệu khảo cứu của ông Nguyễn Văn Xuân về Quảng Nam - Đà Nẵng giai đoạn đó, cái hào nhoáng đông đúc của cảng thị Hàn, cảng thị Faifo như còn khua nhịp đến tận bây giờ.
Còn nhớ năm 2018, tuyến tàu điện Đà Nẵng - Hội An được đưa ra kêu gọi đầu tư. Theo đề xuất, tuyến tàu điện dài 33km, hai chiều đi và đến hướng từ sân bay quốc tế Đà Nẵng qua trung tâm thành phố đến phố cổ Hội An, theo tuyến đường ven biển với tổng mức đầu tư dự kiến lên đến 15 nghìn tỷ đồng. Ngay lúc đó, nhiều người đã kết luận rằng khó thành hiện thực.
Sau 4 năm. Theo một báo cáo mới nhất: tuyến đường sắt du lịch Đà Nẵng - Hội An đã được liên danh các nhà đầu tư báo cáo đề xuất dự án. Tuy nhiên, do hướng tuyến nhà đầu tư đề xuất không phù hợp với Quy hoạch chung khu vực ven biển từ Điện Bàn đến Hội An; chưa nêu rõ các lợi ích của dự án có thể mang lại cho phát triển kinh tế - xã hội của Điện Bàn, Hội An và tỉnh Quảng Nam. Hình thức đầu tư do nhà đầu tư đề xuất là BT kết hợp BOT nên thiếu tính khả thi.
Hiện Quảng Nam đang lập quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; nên sẽ chọn tích hợp phương án phát triển giao thông vận tải tuyến đường này trên cơ sở khớp nối với quy hoạch xây dựng TP.Đà Nẵng.
Và, Quảng Nam chọn một lối khả thi hơn. Đó là, dựa vào quy hoach của Đà Nẵng để khớp nối quy hoạch cho ý tưởng trên.
Theo quy hoạch xây dựng TP.Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đà Nẵng quy hoạch 2 tuyến MRT, 11 tuyến LRT và 2 tuyến Tramway; trong đó, tuyến LRT5 từ sân bay Đà Nẵng kết thúc tại khu vực Coco Bay (giáp ranh Quảng Nam). Đây là tuyến có khả năng kéo dài đến TP.Hội An để phục vụ phát triển du lịch.
Về lâu dài, tuyến LRT Đà Nẵng - Hội An còn kết nối với tuyến Chu Lai - Hội An để nối liền 2 cảng hàng không Đà Nẵng và Chu Lai, bảo đảm sự phát triển tương hỗ giữa 2 cảng hàng không theo quy hoạch.
Nếu Quảng Nam và Đà Nẵng đạt được thỏa thuận này, nghĩa là cùng có chủ trương quy hoạch tuyến đường sắt đô thị nối Đà Nẵng - Hội An đi theo sông Cổ Cò (hiện tại đoạn từ Hội An đi Chu Lai đã được Quảng Nam quy hoạch đi theo hành lang đường Võ Chí Công), thì vệt ven biển của Quảng Nam với giấc mơ thường hằng: BỪNG SÁNG - ĐỘT PHÁ sẽ dễ thành hiện thực hơn.
25 năm, bao nhiêu thứ đã sang trang. Tên gọi hành chính vùng đất này cũng đã bao nhiêu lần tách nhập. Nhưng Quảng Nam - Đà Nẵng đã đang sẽ không thể tách rời bởi phải đi cùng nhau và đi xa hơn nữa. Biết đâu một giai đoạn nào không xa, lại cuộc hợp nhất, châu về hợp phố. Lúc ấy sẽ đỡ gập ghềnh và chông chênh.