Thời tiết dị thường - đáp trả của tự nhiên
- “Hôm qua, buổi sáng mình đi làm còn bình thường, chiều về ruộng đã ngập nước”.- “Nhà mình điện vô nói lúa ngã hết rồi. Mùa ni mất trắng!”.- “Ba mình cũng mới điện thoại nói lúa ngập hết, ruộng lúa nếp mà ngã đổ nữa thì xong. Móp mỏ!”.
Đoạn hội thoại là của nhóm bạn trẻ quê Quế Sơn, Thăng Bình tình cờ nghe được sáng qua. “Móp mỏ” là cách ví đầy hình tượng của người Quảng khi nói đến các vấn đề có ảnh hưởng tiêu cực đến “nồi cơm bát gạo”, kinh tế của gia đình.
Câu chuyện trên bắt nguồn từ đợt mưa trái mùa, mà theo nhận định của các chuyên gia khí tượng thì đây là đợt mưa bất thường lịch sử. Trong đó ngành nông nghiệp bị ảnh hưởng lớn.
Nếu ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên lĩnh vực khai thác, nuôi trồng thủy sản chịu thiệt hại nặng nề thì tại Quảng Nam, cây lúa và các loại hoa màu bị ngập úng, ngã đổ diện rộng, nhiều nơi nguy cơ mất trắng.
Người em họ của tôi ở xã Điện Phong, Gò Nổi, Điện Bàn, hôm qua gặp nhau thẩn thờ nói lúa, bắp, ớt đều hư hại hết, tổn thất 50 triệu đồng tiền đầu tư; nếu thời tiết thuận lợi như mọi năm ước tính thu lãi 30 triệu đồng. Những con số quá lớn với nông dân.
Đợt mưa cuối tuần qua rơi đúng vào khoảng thời gian sắp bước vào tiết Thanh minh - khoảng thời gian mà theo quy luật là bầu trời quang đãng, trong xanh, không khí ấm áp.
Sự bất thường đến dị thường này của thời tiết được các nhà khí tượng thông tin do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hiện tượng La Nina. Mà những hiện tượng này, từ lâu đã được cảnh báo là do những tác động tiêu cực của con người vào tự nhiên và chính con người phải gánh chịu hậu quả.
Chỉ có điều, nhóm “con người tác động vào tự nhiên” thì ít và hầu như chẳng gánh chịu gì, còn nhóm “con người phải gánh chịu hậu quả” lại vô cùng lớn và hầu hết là dân thường.
Tại Quảng Nam, những năm qua câu chuyện chữa lành vết thương cho mẹ thiên nhiên đã được tính đến, bằng hàng loạt chủ trương, hành động cụ thể. Trong đó, cuối năm 2021 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu đến năm 2025 đạt độ che phủ rừng 62% và duy trì trong các giai đoạn tiếp theo.
Liên quan đến các yếu tố tác động bởi thủy điện, tại Kỳ họp thứ 7 sắp đến, HĐND tỉnh sẽ xem xét loại khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với dự án thủy điện Đăk Pring 2 tại thôn A Bát, xã Chà Vàl, huyện Nam Giang. Trước đó, trong năm 2021 HĐND tỉnh đã thống nhất đưa ra khỏi quy hoạch thủy điện vừa và nhỏ đối với dự án thủy điện A Vương 4 (Tây Giang), thủy điện Sông Bung 3 (Nam Giang), thủy điện Đăk Di 4 (Nam Trà My), thủy điện A Banh (Tây Giang).
Trong phát triển công nghiệp, UBND tỉnh chủ trương ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư “công nghiệp xanh”, bền vững, bảo vệ môi trường. Và Năm du lịch quốc gia 2022 vừa khai mạc tại Quảng Nam cũng truyền đi thông điệp bảo vệ môi trường khi mang chủ đề “Quảng Nam - Điểm đến du lịch xanh”...
Tuy nhiên, để mẹ thiên nhiên phục hồi thương tổn, chỉ Quảng Nam hành động là không đủ, hay nói cách khác là không thể. Khi thời gian qua liên tục xảy ra các vụ phá rừng quy mô lớn ở các địa phương trong cả nước, gần đây nhất là các vụ phá rừng ở Kon Tum, Lâm Đồng.
Chuỗi ngày mưa dị thường chưa kịp dứt đã lại nghe thông tin dự báo: Từ ngày 4.4, mưa lớn có thể xuất hiện ở Đà Nẵng và Quảng Nam, kéo dài đến hết ngày 5.4; lượng mưa dao động 100 - 150mm/đợt, có nơi hơn 200mm. Thêm thấp thỏm lo cho miền núi, khi đợt mưa mấy ngày qua đã thấm đất.
Thiên tai và thiệt hại do thiên tai là khó tránh khỏi, nhưng thiệt hại sẽ nhẹ hơn nếu con người có hành động tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Đã đến lúc con người cần nhìn lại và dừng ngay những tác động tiêu cực vào tự nhiên để không còn những đáp trả dị thường từ thời tiết. Nếu chậm trễ, phải trả giá đắt!