Về Hội An đi chớ!

PHAN HOÀNG 28/03/2022 05:38

Xin mạn phép cố thi sĩ Chế Lan Viên, được sửa một chữ trong câu thơ nổi tiếng của ông “Yêu ở đâu thì yêu/ Về Hội An xin chớ/ Hôn một lần ở đó/ Một đời vang thủy triều”. Là bởi, những ngày qua, hình ảnh tràn ngập trên các phương tiện truyền thông, trên mạng xã hội là Hội An rộn ràng, lung linh với các hoạt động, chuỗi sự kiện Khai mạc Năm du lịch quốc gia 2022.

Bạn bè khắp nơi chào nhau trên cửa sổ chat messenger “Về Hội An đi chớ!”, “Về Hội An chưa?”, “Về Hội An nghe!”, v.v... Đại loại những câu rủ rê đầy hào hứng và hấp dẫn bằng hình ảnh đi kèm như vậy.

Hội An những ngày này nườm nượp khách đến. Quảng Nam nườm nượp khách đến.

Xoay quanh câu chuyện về chuỗi hoạt động vào cuối tuần qua, một đồng nghiệp của tôi nói rằng: “Hồi đó lễ hội nó cũng như bây giờ thôi, không có nhiều bứt phá. Xưa là Ấn tượng Mỹ Sơn, Đêm Mỹ Sơn huyền ảo, nay là Đêm Mỹ Sơn huyền thoại’; xưa là Đêm rằm phố cổ thì nay là Nét xưa phố Hội. Nếu không đặc sắc hơn, chúng ta dễ ăn lại bóng mình”.

Và chúng tôi ngồi nhớ lại, không khí sôi động những năm 2005 - 2006 với Lễ hội Quảng Nam – Hành trình di sản, Năm Du lịch quốc gia - Quảng Nam: Một điểm đến hai di sản.

Tất nhiên, đồng nghiệp tôi hơi cực đoan. Mọi sự đã khác và phải khác đi nhiều thì những năm trước dịch bệnh Covid-19 mới có con số ấn tượng như: doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch năm 2019 đạt 6.200 tỷ đồng, thu nhập xã hội đạt 14.570 tỷ đồng, đóng góp của du lịch vào GRDP của Quảng Nam trong năm 2019 ước đạt 7,1%. 

Nhưng trong câu chuyện về sản phẩm đãi khách và cái nhìn khắt khe của anh đồng nghiệp có phần đúng, bởi 3 năm gần đây, Quảng Nam đã phải điều chỉnh chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói này, không còn chạy theo số lượng khách mà thay vào đó là chất lượng tăng trưởng du lịch để có sự bền vững hơn.

Định hướng Du lịch xanh mà Quảng Nam đang theo đuổi, cũng chính là đáp ứng yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường du lịch và các dòng khách khác nhau.

Sau hơn 2 năm đứng bánh vì đại dịch, chính quyền đang ra sức hỗ trợ về mặt chính sách và các cơ chế thuận lợi để có hành lang tốt nhất cho doanh nghiệp du lịch kéo khách trở lại, trong đó có hoạt động quảng bá tiếp thị.

Chương trình truyền thông đón khách quốc tế Live Fully in Vietnam, hay với hashtag #HelloQuangNam và #VisitQuangNam trên nền tảng tiktok để quảng bá đất và người xứ Quảng là ví dụ trong rất nhiều cách để chào mời khách đến. Tiếp thị, đón khách, phục vụ, tiếp thị… là chuỗi liên tục không ngừng nghỉ. Mọi thứ đều phải xốc lại một cách chuyên nghiệp.

Và Quảng Nam chọn cách làm mới mình mỗi ngày. Để khách đến, say mê như điếu đổ một câu chuyện cũ, một sản phẩm tưởng chừng đã biết với trải nghiệm hoàn toàn mới, trong bối cảnh này thì đó là thành công.

Vẫn Mỹ Sơn đó, vẫn Hội An đó mà khách cứ mê thì sức hút nội tại mới là chuyện đáng quan tâm, đủ để bỏ qua những rầy rà không đáng kể và không thể khác. Chúng ta đang cần hiệu ứng domino trong truyền thông để khách đến và ở lại.

Năm 2003 Lễ hội Quảng Nam - Hành trình di sản lúc đó được đánh giá là sáng kiến độc đáo. Tổ chức đến lần thứ 5 thì lễ hội được nâng tầm thành Festival Di sản Quảng Nam.

Hồi đó, nhiều người đã thật sự ấn tượng với phát ngôn của ông Nguyễn Sự, khi đó là Chủ tịch UBND thị xã Hội An: “Mục đích của lễ hội là gìn giữ cốt cách, căn nguyên, phong thái của một vùng đất chứ không nên coi lễ hội là một sự ăn theo mang tính thương mại”.

Mười chín năm, từ ngày khởi đi sáng kiến độc đáo ấy, du lịch xứ Quảng nói chung và lễ hội nói riêng còn giữ được mục đích đó mức độ nào và giữ theo cách nào, là điều mà những người làm truyền thông nghĩ nhiều đến, không chỉ trong những ngày tưng bừng này. Lẽ đơn giản, chúng tôi muốn khách ở bất cứ đâu cũng chào nhau bằng câu rủ rê “Về Hội An đi chớ!”.

PHAN HOÀNG