Chuyện cuối năm

HÀ QUANG 24/01/2022 05:49

Những ngày này, từ nhà ra ngõ đã có thể hóng được vài câu chuyện về tết.

Mua sắm tết bao giờ cũng là câu chuyện dễ chia sẻ và tạo niềm hoan hỉ, bởi không ít thì nhiều, mỗi nhà mỗi người lại có thêm sự chọn lựa hương vị ngày xuân cho riêng mình; và có thể cảm nhận không khí tết đang đến gần.

Dù vậy, bóng dáng Covid-19 vẫn tiếp tục lởn vởn trong từng câu chuyện. Một tiểu thương ở chợ Tam Kỳ phải “cách ly” kho hàng tết của mình vì bà phải vào viện điều trị Covid-19; một công nhân thất nghiệp nửa năm nay, đành bán đi cội mai mình yêu quý để lấy tiền mua sắm tết; vừa phát hiện nhiều ca F0 ở chợ Vĩnh Điện (Điện Bàn), có thể sẽ thêm nhiều người phải ăn tết “tập trung”...

Năm con trâu này, niềm cảm hứng về tinh thần cần cù, mạnh mẽ, chịu thương chịu khó đã biến thành nỗi cực nhọc, tù túng bởi dịch Covid-19 bùng phát kéo dài. Số người thất nghiệp tăng lên; kinh tế nhiều gia đình suy kiệt.

Cuộc hồi hương từ miền Nam hồi giữa năm của hàng nghìn người là hình thái trốn chạy chưa có tiền lệ. Chưa có tiền lệ với số đông, dễ kéo theo những đổ vỡ, nhất là kết cấu nguồn lực xã hội.

Quảng Nam là một trong số ít địa phương tính cơ chế giải quyết việc làm cho những người hồi hương vì ảnh hưởng dịch bệnh, nhưng chuyện vẫn chưa đi đến đâu. Giải quyết lao động địa phương chưa trở thành cơ hội rõ nét trong bối cảnh khó khăn chung, nên nhiều người vẫn nhấp thỏm với nhu cầu ly hương.

Hôm rồi về vùng quê ở Quế Sơn, một lão nông than thở đợt mưa ngập vừa qua cuốn trôi hết số giống gieo sạ vụ đông xuân, đến nay vẫn chưa buồn làm lại. Đứa con lớn đã trở lại miền Nam làm ăn, điện nói tết năm nay chắc không về vì khó khăn. Vùng này, có rất nhiều gia đình thiếu vắng lao động trụ cột ở nhà, tết chỉ thật sự là tết khi nguồn lao động xa quê trở về...

Năm nay, rất nhiều địa phương khuyến cáo người lao động xa quê không về ăn tết vì lo ngại lây lan dịch bệnh. Nhiều lao động cũng không muốn về dù bám trụ với tết nơi xa xứ là nỗi cám cảnh.

“Mang tiền về cho mẹ” nghe không da diết như kiểu “bầy trẻ thơ ngây chờ mong anh trai, sẽ đem về cho tà áo mới...”, nhưng là một thực tế được nhiều người thấm thía trong hoàn cảnh hiện tại.

Nỗi lo sợ dịch bệnh đã vơi đi, nhưng dù gì, muốn thích ứng an toàn thì phải cần những biện pháp chặt chẽ. Bởi vết thương từ dịch giã vẫn còn rất đau! Ngay cả nhiều người đã được điều trị khỏi, cũng phải nhập viện vì di chứng.

Tại TP.Hồ Chí Minh, nhiều bệnh viện tiếp nhận hàng nghìn người đến khám do xuất hiện những di chứng nguy hiểm sau khi khỏi Covid-19, trong đó không ít trường hợp tâm lý bị ảnh hưởng nặng nề.

“Di chứng” dịch bệnh, còn có thể nhìn thấy ở vụ kit xét nghiệm Việt Á, bởi vụ việc này đã trở thành sự cố của xã hội về những giá trị đạo đức đang phai mòn. Những cọc tiền trong bóng tối thêm một lần bị lòi ra, thêm một lần đau nhức vì va đập lòng tin với sự dối trá...

Năm hết tết đến, chúng tôi không có ý định thống kê nỗi bận tâm của bạn đọc trong năm qua về dịch giã, mà có muốn thì cũng khó làm được. Nhưng cũng cần phải nhắc lại, với hy vọng sang năm mới những câu chuyện chúng tôi kể sẽ có thêm nhiều chi tiết tươi vui hơn.

Chúng ta đang cùng nhau vượt qua những ngày tháng khó khăn, và có thể cùng nhau bắt đầu bằng những dự định. Có rất nhiều lý do để tin tưởng về sự hồi sinh từ mùa xuân mới sắp tới, khi công cuộc chống dịch đã tạo được những nền tảng vững chắc, và đây là lúc nội lực có thể bắt đầu…

HÀ QUANG