Chiều kích của một danh xưng

HỨA XUYÊN HUỲNH 27/12/2021 07:11

Ngày mai 28.12, tỉnh Quảng Nam ghi khắc cột mốc 550 năm danh xưng Quảng Nam bằng sự kiện trọng đại, gồm lễ kỷ niệm và hội thảo khoa học cấp quốc gia. Cột mốc ấy không chỉ nhắc nhớ về dòng thời gian đã qua mà còn hình dung về chiều kích của một danh xưng mà lịch sử trao gửi.

Dễ nhận ra chiều dài, chiều rộng gói ghém bên trong chữ “Quảng Nam” - đất mở-rộng-về-phương-Nam. “Đại Việt sử ký toàn thư” chép ngắn gọn, tháng 6 năm 1471 vua Lê Thánh Tông “lấy đất Chiêm Thành đặt làm Thừa tuyên Quảng Nam và vệ Thăng Hoa”.

Sử gia Phan Khoang, người con của một vị trong Ngũ phụng tề phi (tiến sĩ Phan Quang), hẳn đã rất hứng khởi khi viết “Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777” nhắc lại sự kiện này với dòng bình phẩm: “Danh từ “Quảng Nam” có bắt đầu từ đấy”. Đúng là bắt đầu từ đấy, cương vực Đại Việt mở rộng đến tỉnh Bình Định bây giờ. Cũng từ đấy, bước chân mở cõi của tiền nhân tiếp tục mạnh mẽ dấn về phía trước...

Với những biến thiên của lịch sử, đương nhiên chiều dài - chiều rộng của đạo thừa tuyên Quảng Nam không còn giữ nguyên vóc dáng ban đầu. Đến tên gọi cho từng vùng cũng đã thay đổi ngay trong thời Hậu Lê: năm 1490 vua Lê Thánh Tông đổi đạo thừa tuyên thành xứ, đến đời vua Lê Tương Dực đổi xứ thành trấn...

Huống hồ đã hơn nửa thiên niên kỷ trôi qua, có biết bao nhiêu đổi dời về địa giới hành chính, về chuyện sáp nhập - chia tách... Nhưng rồi, danh xưng “Quảng Nam” vẫn lưu giữ, đất và người Quảng Nam vẫn được lịch sử giao phó một di sản.

Vì thế, di sản ấy có thể được nhìn dưới chiều không gian thứ ba (chiều sâu).

Độ lùi 550 năm đủ để chúng ta nhận rõ hơn tâm thức “mở rộng về phương Nam” và ý nghĩa lịch sử trọng đại trong quá trình phát triển lâu dài của dân tộc. Tâm thức ấy bắt nguồn từ tư duy phát triển, tầm nhìn chiến lược của hoàng đế Lê Thánh Tông và những giọt mồ hôi đổ xuống để hình thành một xứ sở biết đổi mới, biết khai phóng, biết đương đầu...

Dễ hiểu vì sao chương trình nghệ thuật trình diễn nhân dịp lễ trọng này được đặt tên là “Âm vang Quảng Nam” với 3 câu chuyện kể: hành trình đi vào phương Nam, hào khí đất Quảng, khát vọng Quảng Nam. Và cũng với tâm thức đó, hội thảo khoa học quốc gia là dịp để hơn 200 đại biểu khách mời ngồi lại, cùng phân tích sâu hơn về quá khứ, hiện tại, tương lai Quảng Nam.

Thật xứng hợp khi tiền nhân chọn trao danh xưng “Quảng Nam” cho xứ sở bén nhạy “chưa mưa đà thấm”, xứ sở nồng nàn như hơi rượu “chưa nhấm đà say”, xứ sở đằm thắm không nơi đâu ơn trượng nghĩa dày cho bằng... Danh xưng là do tiền nhân lựa chọn và trao truyền.

Chiều kích là do các thế hệ nối tiếp nhau ghé vai vào gánh vác. Giờ đây, hậu thế càng cảm nhận được “sức nặng” thời gian, để không chỉ mở rộng về một phương mà còn phải vươn cao lên, làm sâu thêm mạch nguồn phát triển.

Cũng không chỉ bó hẹp cho vùng đất khu biệt của đạo thừa tuyên ngày nào (3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa, Hoài Nhơn), cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hôm nay, cho riêng địa giới tỉnh Quảng Nam... mà còn phải biết thắp lên ngọn lửa khát vọng Việt Nam.

HỨA XUYÊN HUỲNH