Sợi kết nối
Tại Kỳ họp thứ 4, HĐND khóa X, Quảng Nam đã thông qua nghị quyết về đặt tên đường “Đà Nẵng”. Theo đó, chọn tuyến đường tại TP.Tam Kỳ, là tuyến đường định hướng kết nối liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam để đặt tên đường Đà Nẵng.
Tuyến có chiều dài hơn 5.760m, chiều rộng 34m; điểm đầu giáp đường Võ Chí Công (sau khi hoàn thành tuyến đường điểm đầu là biển Tỉnh Thủy, xã Tam Thanh), điểm cuối giáp quốc lộ 1. Đây là tuyến trục ngang quan trọng mà Quảng Nam quyết tâm hoàn thành trong năm 2022.
Nhìn trên Google Map, dễ thấy nó như một gạch nối đông - tây, để hai tuyến đường ven biển và thiên lý bắc nam không còn song song chẳng bao giờ gặp nhau. Nhưng, Đà Nẵng -một con đường, không chỉ là một cái tên để gọi. Nó là sợi kết nối tâm thức người dân của một vùng đất mà suốt chiều dài lịch sử hình thành, vốn đã là một.
Đà Nẵng là địa phương có chung lịch sử hình thành với Quảng Nam sau khi vua Lê Thánh Tông thành lập Đạo Thừa tuyên Quảng Nam vào năm 1471, bao gồm 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn (gồm Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định ngày nay).
Trong lịch sử, TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam nhiều lần sáp nhập, chia tách địa giới hành chính. Ngày 6.11.1996, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua Nghị quyết cho phép tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tách thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương.
Vậy là sau gần 25 năm, Quảng Nam mới có một con đường mà “vị trí, cấp độ, quy mô tuyến đường được đặt tên tương xứng với vị trí, mối quan hệ giữa tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng” như mục tiêu nghị quyết của HĐND tỉnh đưa ra.
Hai mươi lăm năm, tất nhiên là ngắn ngủi so với quá trình hình thành vùng đất - mà Quảng Nam sắp tổ chức lễ kỷ niệm 550 năm danh xưng vùng đất mở - nhưng là đủ dài so với một đời người. Cũng như đủ để đánh giá lại chặng đường phát triển, mà những chính sách được hoạch định, được đặt lên bàn cân chọn lựa của Quảng Nam.
Trục dọc ven biển và trục ngang kết nối liên hoàn vùng Đông – vùng Tây vừa là tiền đề quan trọng, vừa quyết định của việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển song song ngành công nghiệp và dịch vụ, lấy phát triển dịch vụ - du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.
Vùng Đông Nam của tỉnh có trở thành chuỗi đô thị trung tâm dịch vụ - du lịch - công nghiệp sạch - công nghiệp công nghệ cao; có trở thành vùng động lực, tạo đột phá tăng trưởng kinh tế hay không, phụ thuộc rất nhiều vào nguồn lực đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ. Trong đó, các tuyến đường kết nối đường cao tốc, quốc lộ 1 với đường Võ Chí Công, các cầu bắc qua sông Trường Giang có vị trí rất quan trọng.
Đường nối từ đường cứu hộ cứu nạn đến quốc lộ 1 (tại ngã ba Cây Cốc); đường trục chính Khu công nghiệp Tam Thăng đi cảng Kỳ Hà và sân bay Chu Lai; đường trục chính Tam Hòa nối từ quốc lộ 1 đến đường Võ Chí Công sẽ đảm đương vai trò là những “sợi kết nối” này.
Khi tra cứu để có cái nhìn hệ thống về 550 năm danh xưng Quảng Nam, tôi nhớ đoạn này trong cuốn “Tìm hiểu con người xứ Quảng” do nhà văn Nguyên Ngọc chủ biên.
Các tác giả trong sách đưa nhận định về xứ Quảng như sau: “Xứ Quảng lại là trung tâm của miền Trung. Công lao của các chúa Nguyễn 400 năm trước chính là đã nhìn ra vị trí này của xứ Quảng, đã tận dụng và phát huy thành công ưu thế đó của vùng đất vốn chẳng lấy gì làm phì nhiêu, làm cho nó từ một vùng đất “vô danh” trở thành phồn thịnh bậc nhất thời bấy giờ, không những thế, còn trở thành đòn bẩy kinh tế của cả nước, thúc đẩy lịch sử phát triển với một gia tốc chưa từng có trước đó”.
Nhận định đó, khiến tôi liên tưởng dòng chảy lịch sử và không dưng lại mơ ước về một chặng đường ngắn ngủi mà mình đi cùng xứ sở. Bao giờ Quảng Nam trở lại thời “phồn thịnh bậc nhất”?