Minh bạch trong công vụ

HÀ QUANG 06/12/2021 07:19

Dư luận đã có câu trả lời về việc một người dân ở Phú Ninh được hỗ trợ thiệt hại thiên tai với mức chỉ 2 nghìn đồng: địa phương đã làm đúng quy định nhưng cách thực hiện lại quá máy móc.

Lãnh đạo UBND tỉnh và huyện Phú Ninh đã chỉ đạo kiểm điểm và xem đây là bài học kinh nghiệm để các địa phương khác không lặp lại những tình huống gây phản cảm, bức xúc dư luận…, dù có thể nhìn tình huống này dưới góc độ tích cực hơn: đó là biểu hiện của sự minh bạch.

Nói minh bạch là bởi, các con số dù có giá trị nhỏ nhưng rất rõ ràng trên giấy tờ, với từng đối tượng được nhận cụ thể. Vì vậy, mức hỗ trợ chỉ với 2 nghìn đồng, dù có giá trị nhỏ, nhưng minh bạch cả với những con số như vậy trong công vụ, là chuyện không nhỏ chút nào. Cũng bởi, có những việc nếu không minh bạch sẽ gây phản cảm, bức xúc dư luận.

Minh bạch là yếu tố rất cần thiết ở nhiều lĩnh vực quản lý xã hội, đặc biệt với những lĩnh vực vẫn còn tình trạng “mù mờ”. Ví như đấu thầu dự án đầu tư công, lâu nay được xem là “điểm đen” về sự minh bạch trong hoạt đông công vụ với các biểu hiện thông thầu, chạy dự án, sân sau…

Gần đây báo chí đã thông tin nhiều vụ việc trên địa bàn tỉnh ở lĩnh vực này, như hơn 30 dự án của Sở GTVT với chỉ một nhà thầu thực hiện; nhiều cán bộ ban quản lý dự án ở địa phương bị cơ quan chức năng bắt giữ liên quan đến đấu thầu…

Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh tổ chức cuối tuần qua, cùng với việc hỗ trợ ở Phú Ninh, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi về sự minh bạch ở các vụ đấu thầu nói trên. Khi được Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu trả lời, đại diện ngành chức năng thừa nhận rất khó trả lời cụ thể, bởi có thể do dự án đặc thù, hay đang rà soát… Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết đang chỉ đạo quyết liệt để kịp thời chấn chỉnh, tạo môi trường minh bạch trong công tác đấu thầu.

Minh bạch trong công vụ, ngoài sự cần thiết, còn là những giá trị tinh thần cần có trong quản lý xã hội như phong cách, văn hóa ứng xử… Có thể lấy một ví dụ thường thấy vào dịp cuối năm là chuyện nhận quà.

Từng có nhiều văn bản cấm cán bộ nhận quà, nhưng hình như không cấm nổi. Bởi nhận quà, cũng cần tách bạch giữa chuyện nhận lấy tình cảm chân thành của người khác với chuyện ai đó phải thực hiện “nghĩa vụ” trong sự ngầm hiểu với nhau từ mối quan hệ trong hoạt động công vụ. Nếu món quà đó xuất phát từ động cơ trong sáng, là cách ghi nhận sự nhiệt tình trong công vụ… thì đó là biểu hiện của văn hóa ứng xử, vì sao phải cấm?

Cũng giống như văn hóa từ chức, là chuyện không mới mẻ, được quy định tại nhiều văn bản ở trung ương, gần đây được “nhắc lại” trong quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức viên chức do UBND tỉnh ban hành, dù vậy vẫn chưa đi vào thực tiễn.

Chia sẻ tại cuộc họp báo cuối tuần qua về điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cần xem chuyện từ chức là điều bình thường. Lâu nay cán bộ từ chức là dư luận liền nghĩ chắc có vấn đề gì đó.

Thật ra có nhiều lý do như sức khỏe, công việc riêng, chuyện gia đình… chứ không riêng do mất uy tín hay thiếu năng lực, nếu không đảm đương nổi thì từ chức là điều bình thường. Và yếu tố cần thiết để điều đó diễn ra bình thường, lại là sự minh bạch.

HÀ QUANG