Học hỏi ứng xử với di sản

NGUYỄN THƯỢNG HỶ 22/11/2021 07:11

Hơn 40 năm làm công việc bảo tồn, nghề này với tôi đã thành nghiệp. Nhẩm đếm lại đời mình, không dưng lại muốn kể đôi câu chuyện, những mong người làm nghề tránh sai lầm trong công việc, cụ thể như tu bổ một di tích kiến trúc cổ hay bảo tồn một giá trị như không gian lễ hội với âm nhạc và điệu múa...

Tác giả tu bổ di tích kiến trúc tháp chăm Khương Mỹ 2.2021.
Tác giả tu bổ di tích kiến trúc tháp chăm Khương Mỹ 2.2021.

Tháng 9.1980, chúng tôi hăm hở đi vào khu đền tháp cổ Mỹ Sơn với niềm vui như những kẻ tiên phong để chuẩn bị đón đoàn chuyên gia qua khảo sát cho công việc trùng tu.

Và không may lũ về con suối nhỏ nước tràn lên cả khu tháp. Chúng tôi chỉ kịp chạy lên ngọn đồi để tránh lũ. Ướt và đói. Cái lạnh từ mấy chục năm trước còn ám đến bây giờ. Nhưng tôi vẫn nhớ quyết tâm bám trụ để làm tròn nhiệm vụ của nhóm. Bởi, ai cũng lo cho an nguy của tháp mà quên mất an nguy của mình.

Ở nơi tôi làm việc, còn nhớ khoảng cuối năm 1980, khi việc xây trụ sở xã tiến hành, trong đó cột cờ là hạng mục quan trọng. Nhưng ai đó đưa ý kiến lấy cái bệ Yoni để làm đế dựng cột cờ. Và đã có cuộc tranh giành xảy ra của ranh giới hai xã ở cánh đồng nơi bệ thờ được phát hiện.

Giữa cuộc tranh giành đó, để đưa được bệ thờ này về trưng bày, những người làm công việc bảo tồn đã gặp muôn vàn khó khăn. Nhưng điều đáng buồn là lúc đó, nhiều người không hiểu được công việc của chúng tôi.

Công việc quen của nghề nghiệp là trưng bày và bảo quản các cổ vật… Năm 1997, một kế hoạch hậu khảo cổ là trưng bày các tác phẩm sau cuộc khai quật tại di tích kiến trúc Chămpa tháp cổ Chiên Đàn. Việc dựng một tấm bia cổ với bệ bục và mái che tưởng dễ dàng. Không ngờ vì hiểu biết hạn hẹp, chúng tôi đã... dựng ngược chữ.

Hơn ba năm sau, điều này mới được phát hiện từ vị giáo sư đến từ cộng hòa Séc - thầy Ivo Vasiliev (1935 - 2017). Ông là nhà ngôn ngữ biết hơn 10 ngoại ngữ, nói tiếng Việt như một người Việt giỏi phát âm chuẩn và đã từng dịch thơ Bác Hồ qua tiếng Séc.

Khi giáo sư học tiếng Ấn Độ cổ, học chữ Phạn (Sanskrict) và chữ Chăm cổ, đã đến tìm hiểu kiểu chữ viết trên bia kí cổ ở di tích này và đã ân cần nhắc tôi. Thế là một chuyến đi kiểm tra bằng cách “vẽ” lại chữ và so sánh ở các mẫu chữ khắc trên các văn bia ở Mỹ Sơn và đúng là tôi đã xếp đặt ngược chữ. Phát hiện sai lầm, nhưng để chuyển lật lại cho đúng thì cũng đến hai năm sau vì phải có xe cẩu nâng bởi bia đá này nặng hơn hai tấn.

Tôi nhớ chuyện nhiều viên gạch cổ bị cố tình làm vỡ trong câu chuyện ba tôi kể trước đây (khi tôi chưa làm nghề). Một ngày ông rời khỏi công trường tu bổ đại nội Huế (ông được mời trông coi việc tu bổ lại kiến trúc thời Nguyễn này vào năm 1972) với gương mặt giận dữ vì một công nhân dùng xà ben phá vỡ nền gạch cổ có dấu triện đóng của triều vua… Tôi cảm giác ông đau như chính mình bệnh nặng.

Chuyện buồn vui của người làm công việc bảo tồn, tu bổ kiến trúc cổ còn nhiều. Đến hôm nay, hơn 40 năm làm công việc kiến trúc cổ, tôi vẫn lấy việc lắng nghe, học hỏi là chính. Một hành trình mà tôi tự đặt kim chỉ nam rằng “thái độ ứng xử với di sản là quan trọng nhất!”. Phải luôn học hỏi để đủ tâm và tầm cho công việc này. Và những chuyện vụn tôi kể ra đây, như lời bày tỏ với nghề tâm huyết nhất.

NGUYỄN THƯỢNG HỶ