Phía núi
Mấy hôm rồi, Facebook nhắc lại những hình ảnh một năm trước, ngày tang thương vụ sạt lở ở Trà Leng; trùng vào thời điểm Covid-19 đương gây cơn xao xác ở Nam Trà My, với các ca dương tính được công bố nhiều nhất ở con số hàng trăm. Tôi nhìn vào newsfeed của bạn bè ở Nam Trà My, nghe xốn xang với những lo lắng cho học trò. Phần lớn số ca mắc là học sinh trong các trường học.
Đầu tuần này, một chút yên lòng, khi thông tin từ bác sĩ tại các bệnh viện điều trị, rằng gần như tất cả đều ở mức độ nhẹ, không có trường hợp nào biến chuyển nặng. Và thêm nữa, dự báo thời tiết, từ nay đến nửa đầu tháng 11, sẽ không có mưa lớn, không có lụt và bão.
Điều đó giảm bớt lo lắng về tai ương kép cho người dân ở huyện miền núi này. Sau những thiệt hại nặng nề đợt bão lũ năm 2020, bây giờ lại dịch bệnh; miền núi đã khó lại càng khó hơn.
Bài toán về sự phát triển ở miền núi Quảng Nam, chưa bao giờ đơn giản. Làm sao vừa giải quyết chuyện cấp bách trước mắt lẫn lâu dài, cơ bản để miền núi thoát nghèo? Phải có đủ ưu tư, hiểu biết và tình yêu với núi rừng, có giải pháp khoa học, phù hợp mới trả lời được những câu hỏi tương tự. Rằng, người miền núi thực sự cần gì?
Đề án phát triển kinh tế xã hội - miền núi tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đang được lấy ý kiến các sở ngành địa phương. Quan điểm phát triển miền núi được xây dựng trên cơ sở định hướng quy hoạch phát triển tỉnh và quy hoạch xây dựng vùng huyện, đồng thời dựa trên nguyên tắc của sự phát triển bền vững, đảm bảo sự kết hợp hài hòa giữa 3 yếu tố: phát triển kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, các giá trị văn hóa truyền thống.
Thông qua nhiều chủ trương, chính sách của trung ương và tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020, tỉ lệ hộ nghèo khu vực miền núi giảm đáng kể. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, 9 huyện miền núi vẫn còn 15.357 hộ nghèo, tức 18,09% (tỷ lệ này ở cả tỉnh là 5,23%). Kinh tế - xã hội phát triển còn chậm, thiếu bền vững là điều đã được nhìn thấy.
Vì vậy, Quảng Nam đặt ra mục tiêu phát triển miền núi giai đoạn 10 năm đến, gồm: Phát triển cơ sở hạ tầng gắn với đẩy mạnh liên kết giữa các vùng, khu vực, giữa các địa phương khu vực miền núi với khu vực đồng bằng, giữa đô thị với nông thôn, hình thành các đô thị hạt nhân trung tâm phát triển các vùng và sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư.
Giảm nghèo bền vững, phát triển nông nghiệp nông thôn, sản xuất hàng hóa hướng vào các loại đặc sản, những loại sản phẩm độc đáo, chất lượng cao, sản phẩm truyền thống bản địa. Bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản, các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc địa phương, tài nguyên thiên nhiên gắn với phát triển du lịch bền vững.
Làm sao để đạt được quá nhiều mục tiêu đặt ra trong khi nguồn lực có hạn? Theo đề án này, nhu cầu đầu tư có khả năng đáp ứng trong kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025 dự kiến khoảng 12.178 tỷ đồng, chiếm 33% toàn tỉnh. Đó là chưa kể nhu cầu đầu tư hạ tầng chưa có trong kế hoạch trung hạn 2021 - 2025 (khoảng hơn 11 nghìn tỷ đồng).
Vì thế, cơ chế vượt trội nào để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào miền núi vốn quá nhiều khó khăn về hạ tầng và không ổn định trước thiên tai bão lũ hàng năm là điều cần phải làm rõ hơn.
Cũng như, điều lâu nay thường được nhắc đến, là tư tưởng trông chờ, ý lại của người miền núi đã tác động ngược đến những cơ chế, chính sách giảm nghèo, phát triển khu vực này như thế nào, để có thể đưa ra lời giải sát hợp hơn.
Tư duy theo kiểu nghĩ, cách làm của người miền xuôi khi thực hiện các kế hoạch phát triển miền núi cũng cần cân nhắc, loại bỏ những gì không phù hợp. Và, quay trở lại câu hỏi, người miền núi thực sự cần gì?
Bởi, nếu vẫn quá chú trọng vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nghĩa là căn cơ bài toán giảm nghèo vẫn chưa có lời giải rốt ráo. Cũng như, tính toán đến việc tập trung mạnh cho sản xuất, thì phải song hành thay đổi tập quán lao động của người dân.