Tuổi... dễ tổn thương
Do xuất hiện các ca nhiễm Covid-19, thị xã Điện Bàn liên tục thực hiện Chỉ thị 16, nhiều tuần qua tôi không về quê, dù nơi đang ở và quê nhà chỉ cách chừng 45 cây số. Từ cuối tuần qua Điện Bàn “hạ bậc” áp dụng Chỉ thị 15, đường về quê thật rộn ràng.
Nhớ mấy tuần trước, thứ Bảy nào ba cũng gọi điện hỏi “Lâu rồi không thấy về?”. Ông tuổi đã cao, bị nặng tai, nên phải trả lời thật to đến khản giọng là chốt chặn rồi, con về không được, nhưng sau khi cúp máy lại ngồi thừ ra.
Chợt nhớ đến những câu chuyện trong phim “Bố già” (một bộ phim điện ảnh hài tình cảm của Việt Nam, công chiếu hồi tháng 3.2021) và dòng chữ cuối cùng hiện lên màn ảnh khi hết phim: “Chúng ta có nhiều thời gian, bố mẹ thì không”. Tự hỏi, “Bao nhiêu lần nữa, mình về quê còn được gặp ba, má?”.
Quảng Nam hiện có hơn 201 nghìn người cao tuổi. Ba má tôi chỉ là một trong số hàng trăm nghìn người già ở Quảng Nam, hàng triệu người già trên cả nước cùng chung cảnh cuối tuần ngóng cháu con.
Dịch bệnh Covid-19 giáng một cú thật mạnh xuống cuộc sống vốn dĩ chạy rất nhanh. Nó buộc người ta phải chậm lại, thậm chí đứng yên. Lúc này, những người già càng trở nên cô đơn.
Kháng thể người già không đủ sức chống chọi với Covid-19. Họ trở thành những đối tượng dễ tổn thương bởi Covid-19, theo đúng nghĩa. Họ dễ dàng mắc bệnh hơn, khó điều trị hơn, nguy cơ tử vong cũng cao hơn những lứa tuổi khác.
Ở một góc nhìn khác, có những người cao tuổi, vì hoàn cảnh, phải lặn lội đường xa ở những thành phố lớn. Họ đi phụ việc quán ăn, đi bán vé, hàng rong. Dịch bệnh, họ là những người dễ bị kẹt lại thành phố, trong làn sóng người trở về quê.
Người may mắn được Hội đồng hương tạo điều kiện để trở về quê, nhưng còn rất nhiều những người già khác chưa kịp đặt chân lên đất quê nhà của mình, phải vật lộn với sống còn ở đô thị, trong bối cảnh kiểm soát khắc nghiệt.
Ở Quảng Nam, số người cao tuổi mắc Covid-19 không nhiều. Nhưng chưa có con số thống kê cụ thể số người cao tuổi đang “kẹt” lại ở những khu vực dịch bệnh bùng phát, đang khó khăn ở những vùng phong tỏa.
Như ba má tôi, trong suốt những ngày Điện Bàn thực hiện Chỉ thị 16, nhà chỉ có hai người già. Bạn bè lứa các cụ phần lớn đều đã nằm một chỗ, việc chăm sóc sức khỏe cần phải có sự trợ giúp từ nhân viên y tế.
Trong những ngày phong tỏa, ba má tôi may mắn khi có được sự hỗ trợ từ một nữ y tá, nhưng không rõ ở các nơi khác, liệu khi địa phương thực hiện giãn cách, người già có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tại nhà có được tạo điều kiện?
Theo khảo sát, hầu hết cơ sở y tế của Quảng Nam đều có khoa Lão. Tuy nhiên, thực tế nhìn nhận việc chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi hiện vẫn là một khoảng trống. Chưa kể, các chính sách liên quan đến người cao tuổi trong tình hình dịch bệnh Covid-19 xem chừng vẫn chưa được quan tâm.
Bên cạnh đó, dù toàn tỉnh đã xây dựng và phát triển tổ chức hội người cao tuổi ở 241/241 xã, phường, thị trấn và 1.240/1.240 thôn, bản, khối phố cùng hàng trăm câu lạc bộ dưỡng sinh, như một tín hiệu vui về “sân chơi” cho người cao tuổi, nhưng mọi hoạt động đã phải dừng lại khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát…
Từ cuối tuần này, toàn tỉnh hưởng ứng thực hiện “Tháng hành động vì người cao tuổi” với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”.
Trong đó, đảm bảo thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người cao tuổi tại nơi cư trú; rà soát nắm tình hình người cao tuổi nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, giúp đỡ người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa, người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi thuộc diện chính sách cải thiện đời sống...
Mọi hành động hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi về sức khỏe, vật chất và tinh thần.