Cội rễ làng
Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc giai đoạn đến năm 2030 đang tiếp tục lấy ý kiến. Sẽ còn rất nhiều thủ tục nữa mới hoàn thiện. Thế nhưng, người dân đã chuyền tai nhau, về một quảng trường, trung tâm thương mại hiện đại, về các khu phố thương mại dịch vụ ở vị trí bây giờ đang là trụ sở huyện ủy, ủy ban.
Một đồn mười, mười đồn trăm. Bà con chỉ trỏ nhau về những con đường lớn sẽ chạy qua xóm nọ xóm kia theo quy hoạch mới. Và, như lẽ thường, người mua đất bắt đầu lùng sục các vùng phụ cận. Họ kêu giá… trên trời với những mảnh vườn vốn trồng chuối trồng rau.
Thị trấn Ái Nghĩa là đô thị trung tâm của huyện Đại Lộc, đô thị loại 5. Theo Chương trình phát triển đô thị của Quảng Nam thì Ái Nghĩa trở thành đô thị loại 4 nên sẽ phải có nhiều thứ thay đổi trong quy hoạch, kiến trúc và các tiêu chí khác để đáp ứng.
Lâu nay, trên địa bàn tỉnh, phần lớn các khu tái định cư đều chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm sang đất ở. Vậy nên, người làng các vùng phụ cận của thị trấn râm ran chuyện bán mua cũng không phải vô cớ.
Hiện nay, nhiều quy hoạch trên địa bàn Quảng Nam đang được tiến hành (như quy hoạch chung xây dựng khu vực ven sông, ven biển Duy Xuyên - Thăng Bình; Quy hoạch phân khu đô thị An Bàng, TP.Hội An v.v.). Nghĩa là có rất nhiều khu đô thị sẽ hình thành. Những vùng phụ cận của các khu vực này, cũng đang vào cơn nhấp nhổm của đất đai từ việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Tất nhiên, các đề xuất chuyển đổi đất nông nghiệp phải bám theo lộ trình đầu tư, các khu vực phát triển để nghiên cứu, tính toán, đề xuất đưa vào Quy hoạch sử dụng đất tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, làm cơ sở thực hiện các thủ tục đất đai, xây dựng và phát triển đô thị.
Đó là quan điểm quản lý của lãnh đạo tỉnh. Nhưng, cùng với các cuộc đô thị hóa, trong khi cơ chế, chính sách bồi thường - hỗ trợ - tái định cư vẫn chưa hoàn thiện, thì sẽ là những cơn sốt đất; cả những khiếu nại liên quan đất đai, là không thể tránh khỏi.
Cũng sẽ không tránh khỏi việc tiếp tục lăn vào lối cũ: ly nông trên chính mảnh đất của mình. Không gian sống, không gian văn hóa ở làng xáo trộn, thậm chí biến mất thì những “nông thôn mới” sẽ chỉ là cuộc hô hào đắp lên bằng các tiêu chí vật chất.
Tư liệu sản xuất là đất nông nghiệp bị mất đi hay chính nông dân khước từ, bởi giá trị tạo ra từ đồng đất quá thấp, vì không còn bờ xôi ruộng mật, vì đất đai manh mún, vì chẳng còn người trẻ đủ sức gồng gánh những chân đất đã cằn cỗi?
Nguyên nhân gốc rễ để giải quyết vấn đề vẫn chưa chỉ ra ở đâu. Nên những cuộc ly hương, trong vòng 5 - 7 năm trở lại đây, với Quảng Nam là ít đi, chứ không hẳn và không thể chấm dứt. Người trẻ và cả người không trẻ đều tìm cơ hội mưu sinh dễ dàng hơn nơi đất khách.
Trong cơn đại dịch, những cuộc hồi hương khó nhọc, đầy nước mắt, thậm chí cả máu khiến tim ta lịm đi. Những cuộc hồi hương buộc phải nghĩ về sự chở che và bình an từ làng.
Có một khác biệt giữa lao động nghèo ở tỉnh lẻ với thành phố lớn như Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh; là ở Quảng Nam, nếu chẳng may rơi vào tình trạng quá tải mọi thứ vì Covid, vì phong tỏa, thì những người yếu thế, những người dễ bị tổn thương cũng không lo cái đói cấp kỳ trong bủa vây dịch bệnh.
Công nhân, lao động tự do, người nghèo ở tỉnh lẻ, thường có làng chở che. Nhiều gia cảnh, dù cực nhọc ở các khu, cụm công nghiệp lớn của tỉnh, nhưng nếu gặp biến cố, quày quả trở về làng thì cũng còn rau cháo dưa cà, bà con chòm xóm.
Hạt lúa của làng sẽ cõng người qua đận ngặt nghèo. Bờ tre làng sẽ giữ người không chết đuối. Cho nên, bất kỳ tính toán nào trong quá trình phát triển, vì dân, thì trước hết và trước tiên phải tính tới cội rễ làng - nơi neo giữ giá trị của vùng đất ngót 550 năm lập danh xưng Quảng Nam.